Xuất khẩu cà phê robusta từ Sumatra của Indonesia giảm gần 1/3 trong tháng 7 năm nay so với cùng tháng năm ngoái do các nhà xuất khẩu hạn chế bán ra đề phòng trường hợp mưa làm giảm sản lượng.
Indonesia là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn thứ 2 thế giới
Nếu các nhà xuất khẩu tiếp tục giữ hàng, giá cà phê robusta kỳ hạn tại Luân Đôn có thể vượt xa mức cao 21 tháng thiết lập đầu tháng này khi chạm 1.843 USD/tấn.
“Nhiều nhà xuất khẩu có các hợp đồng dài hạn trong năm tới sẽ giữ cà phê bởi họ lo lắng không mua đủ số hàng cần thiết cho các hợp đồng của mình”, một thương nhân ở Bandar Lampung nói. “Họ sẽ chỉ xuất khẩu cà phê cho các kỳ hạn mà họ đã ký hàng tháng”.
Theo số liệu thống kê, xuất khẩu cà phê robusta của Sumatra qua cảng Panjang ở Bandar – cảng chính của Sumatra, đã giảm 31% xuống còn 35.044,64 tấn trong tháng 7/2010, so với 50.889,49 tấn cùng tháng năm ngoái.
Trong năm nay, vụ thu hoạch chính ở Indonesia đã phải trì hoãn tới tháng 6 – 8 thay vì từ tháng 3 -5 như thường lệ bởi mưa gây khó khăn cho quả cà phê chín.
Muchtar Lutfie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thuộc Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Cà phê Indonesia chi nhánh tại Lampung cho biết “Nông dân đang phải đối mặt với khó khăn trong việc phơi quả do thiếu nắng”.
Indonesia hiện là nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai thế giới sau Việt Nam.
Những người trồng cà phê Việt Nam cũng đang giữ cà phê lại trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm trên thị trường và họ đang chờ kế hoạch mua tạm trữ cà phê tiếp theo của chính phủ trước thời điểm vụ thu hoạch mới bắt đầu vào tháng 11.
Tại Indonesia, cà phê robusta được trồng chủ yếu ở các tỉnh Lampung, Bengkulu và Nam Sumatra thuộc phía nam của đảo Sumatra. Còn cà phê arabica được trồng ở phía bắc đảo này.
Nguyễn Hằng