Sinh viên tính giùm nông dân

Trong năm qua, 72 sinh viên thuộc đội Sife Đại học Kinh tế TP.HCM đã tỏa đi 3 hướng để thực hiện 3 dự án, giúp người dân tiết kiệm được hơn 90 triệu đồng. Không dừng ở đó, về lâu dài, dự án của các bạn còn mở ra cho người nông dân giải pháp tích cực gắn liền với đời sống.

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết cách làm phân bón vi sinh đơn giản, hiệu quả cao

Huong dan nong dan cach u phan tu vo ca phe cho nong dan Lam Dong
Các bạn trong đội Sife Đại học kinh tế HCM đang hướng dẫn bà con Lâm Đồng ủ phân từ võ cà phê

Tính giùm diêm dân

Diêm dân Việt Nam có đủ mọi điều kiện tự nhiên để phát triển nghề muối nhưng chất lượng muối chưa cao, bị ảnh hưởng bởi thời tiết, bị cạnh tranh bởi muối ngoại. Nhóm 14 bạn thuộc đội Sife Đại học Kinh tế TP.HCM đã 4 lần đi xe máy lặn lội xuống Cần Giờ khảo sát cách làm muối của bà con diêm dân. Anh Khoa – Chủ tịch CLB Sife Đại học Kinh tế TP.HCM – cho biết: “Phần lớn bà con làm muối theo cách truyền thống. Bà con múc nước biển đổ vào ruộng đất để nước biển bay hơi kết tinh thành muối. Sản phẩm làm ra được cào lại, có lẫn cả đất cát. Sản phẩm này chất lượng chưa cao, giá thành thấp”.

Các bạn đã tính giùm bà con diêm dân cách chuyển đổi hình thức làm muối truyền thống sang hình thức làm muối đơn giản và hiệu quả hơn: Trải bạt nhựa PVC lên ruộng muối. Muối mau kết tinh, hạt muối trắng đẹp không thua kém muối qua tinh chế. Nhưng khó khăn nhất là tìm nguồn vốn để đầu tư ruộng muối, trong khi diêm dân không có tài sản để thế chấp vay. Các bạn tìm hiểu các nguồn tín dụng để người dân có thể vay tín chấp bằng sổ hộ nghèo. Đến nay, các bạn đã cung cấp được cho người dân thông tin kết nối với 4 quỹ tín dụng như Quỹ hỗ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM.

Để diêm dân thấy được lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, các bạn cho bà con tham khảo các bảng tính toán thu chi so sánh giữa áp dụng và không áp dụng hình thức sản xuất mới. Sau khi diêm dân thấy được lợi ích, các bạn hướng dẫn bà con điền bản đăng ký vay vốn. Và nhất là tập huấn cho bà con cách tiếp cận, tìm hiểu các nguồn vay thông qua mạng Internet. Khoa tâm sự: “Sắp tới tụi mình sẽ nghiên cứu hướng nghiệp cho bà con diêm dân trong thời gian rảnh rỗi giữa vụ muối, để bà con có thể có thêm nguồn thu nhập”.

Rác vỏ cà phê thành phân vi sinh

Nhóm 14 bạn khác cũng thuộc đội Sife Đại học Kinh tế TP.HCM bắt xe đò ngược lên Tân Hà (Lâm Hà, Lâm Đồng) rồi lội bộ đường đất đỏ vào sâu trong các vườn cà phê. Các bạn khảo sát ở xã có hơn 70% nông dân trồng cà phê này, mỗi năm “xả” 14 nghìn tấn vỏ. Rác từ vỏ cà phê bỏ đi không tốt cho môi trường. Trong 8 tháng phân hủy, chúng là mầm ủ bệnh với con người. Đã có những hộ dân có ý định ủ vỏ cà phê làm phân cho cây nhưng không thành công.

Các bạn đã liên lạc với công ty cung cấp men vi sinh để tiến tới việc chế biến vỏ cà phê làm phân bón vi sinh thay cho phân hóa học. Nhóm bạn trực tiếp xin chính quyền địa phương thực hiện dự án. “Ban đầu xã đòi hỏi nhóm phải được sự cho phép của tỉnh. Nhưng khi tụi mình trình bày ý tưởng rạch ròi, chính quyền nơi đây hiểu và ủng hộ nhiệt tình” – Anh Khoa nói.

Các bạn sinh viên mời chuyên gia về hướng dẫn bà con làm phân vi sinh. Chỉ cần vài chục ngàn đồng mua men vi sinh trộn vào vỏ cà phê và trộn đều vài lần, sau 45 ngày, đống vỏ cà phê lẽ ra bỏ đi đã trở thành phân bón lại cho cà phê. Cách làm này không chỉ giúp người dân tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi năm mà còn giúp giảm đến 8,5 tấn phân hóa học có thể gây hại môi trường. Chưa hết, các bạn còn làm cầu nối giữa các chuyên gia kinh tế là các giảng viên trong trường mình với bà con nông dân trong việc nhận định thị trường, phán đoán giá cà phê để có thể đưa ra quyết định mỗi mùa vụ.

PR cho rau sạch – Làm thế nào?

Thế nào là rau sạch? Thế nào là rau an toàn? Thế nào là rau sạch theo tiêu chuẩn GAP?… Hiện có quá nhiều thuật ngữ để chỉ về rau để người dân lựa chọn sử dụng mà không lo nguy hại sức khỏe. Điều đó khiến cả người bán rau và người mua rau đều bối rối và hoang mang. Một nhóm khác của đội Sife Đại học Kinh tế TP.HCM đã đến các huyện ngoại thành TP.HCM như Củ Chi, Bình Chánh – nơi “đóng đô” của các vựa rau, để tìm điểm chung giữa người trồng rau sạch và người tiêu dùng.

Các bạn chọn các hợp tác xã sản xuất rau như Thỏ Việt, Ngã Ba Dòng, Nhuận Đức để khảo sát cách sản xuất rau đối chiếu với tiêu chuẩn rau sạch GAP (tiêu chuẩn rau các nước có thể vào được châu âu). Để đáp ứng tiêu chuẩn này, người trồng rau phải tuân thủ các quy trình: Chọn đất, nước tưới, giống, phân bón, bảo vệ thực vật và thu hoạch, đóng gói.

Sau khi khảo sát quy trình sản xuất, nhóm chọn hợp tác xã Thỏ Việt để huấn luyện nhân viên bán hàng của hợp tác xã cách thức giới thiệu những tiêu chuẩn mà hợp tác xã đã đạt được để khách hàng an tâm về rau mình sử dụng. Người bán hàng của hợp tác xã được tiếp thu những kiến thức về marketing từ các bạn sinh viên để đánh vào tâm lý khách hàng – từ thính giác, thị giác, vị giác…

Nhóm sinh viên còn được sự hỗ trợ của siêu thị Big C về không gian để tổ chức buổi giới thiệu sản phẩm rau sạch. Sau buổi giới thiệu này, chương trình cũng sẽ được nhân rộng ra những nơi khác như Lotte Mart, chợ Bình Tây.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc tìm tài trợ vì các dự án chỉ mang tính cộng đồng, nhưng đội Sife Đại học Kinh tế TP.HCM đã tận dụng mọi nguồn kinh phí và các mối quan hệ hỗ trợ để hình thành 4 dự án.

Ngoài 3 dự án hỗ trợ bà con diêm dân, người trồng cà phê, người trồng rau sạch, đội còn một dự án Green-agers giúp trẻ em ý thức được ích lợi cụ thể từ việc sử dụng hợp lý các thiết bị điện trong gia đình. Bốn dự án của Sife Đại học Kinh tế TP.HCM đã vượt qua 10 đội Sife từ các trường đại học khác trên toàn quốc để giành giải nhì cuộc thi Sife 2010 với chủ đề Trí tuệ kinh doanh, trái tim vì cộng đồng.

Giải nhất năm nay tiếp tục thuộc về Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Đội nhất sẽ được đại diện Việt Nam tham dự Sife thế giới tại Los Angeles, Mỹ vào tháng 10/2010.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. TRẦN QUỐC THẾ - BẢO LỘC

    Trong thời kinh thị trường nhập nhằng hư hư ảo ảo ,được đội ngũ sinh viên vào cuộc chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp, chắc có lẽ thời gian tới đời sống bà con nông dân sẽ tốt hơn.Mong rằng thời gian tới anh em sinh viên có những cuộc hạ sơn giúp bà con nhiều hơn nữa ,có như vậy chất lượng cà phê sẽ tốt hơn ly cà phê anh em uống chắc chắn sẽ ngon hơn

  2. Thục Nhi

    Có bạn nào viết được qui trình sản xuất phân vi sinh từ vỏ cà phê, xin gửi về để ban biên tập post lên cho bà con nông dân học tập và tự làm, tận dụng đống vỏ cà phê ở nhà khỏi lãng phí và ngăn ngừa sâu bệnh phát triển. Rất vui được đón nhận đóng góp vì cộng đồng.

  3. hoathuan

    các bạn sinh viên ơi !!! đừng lên Đạt lý , Buôn ma thuột, vỏ cá phê ở đây quý lắm, coii trọng hơn cả NPK mỹ việt hay đầu trâu gì đó nữa đó … các bạn cứ kiểm chứng…

  4. Tư Năm

    Đồng chí hoathuan ơi! Phân Đầu Trâu là chất lượng nhất, sao chú nói châm chọc thế. Hãy thể hiện là mình người có ăn học để lên diễn đàn chứ.
    Đề nghị anh Thịnh xem xét nội dung của hoathuan trước khi đưa lên diễn đàn

    1. Hòa Thuận

      Phạt ba cá nhân bán phân bón dỏm 165 triệu đồng
      (PL)- Ngày 29-7, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cho hay tỉnh này vừa quyết định xử phạt 165 triệu đồng đối với ba cá nhân sản xuất, gia công phân bón không đạt định lượng cho phép.

      Ba cá nhân bị xử phạt 55 triệu đồng/người là ông Thái Bửu Lâm, Phó Giám đốc Nhà máy phân bón Bình Điền (TP.HCM); ông Nguyễn Phát Phước, đại diện Công ty TNHH BACONCO (Bà Rịa-Vũng Tàu) và ông Hồ Văn Tín, đại diện Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ (TP Cần Thơ). Đồng thời, ba đơn vị này phải tái chế hơn 390 bao phân bón loại 50 kg không đảm bảo chất lượng.

      Trước đó, Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước phát hiện và lập biên bản vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón không đạt chất lượng đối với ba đơn vị trên.

      T.TRÚC

  5. noi ngang

    NÔNG DÂN tính giùm SINH VIÊN.
    Xin đọc thật kỹ bài báo này :
    -“Trong năm qua, 72 sv thuộc đội Sife….thực hiện 3 dự án,…tiết kiệm được hơn 90 triệu đồng”. Nghĩa là mỗi sv tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng.
    Để tiết kiệm được số tiền trên mỗi sv tốn hết bao nhiêu ngày công trong năm qua?
    -Làm phân vi sinh : “sau 45 ngày, đống vỏ cà phê …đã trở thành phân bón lại cho cà phê”.
    Sv đã áp dụng quy trình nào để biến vỏ cà phê thành phân bón nhanh như vậy?
    Nông dân tôi được biết qui trình làm phân vi sinh nhanh nhất cũng phải 70-80 ngày.
    -“Cách làm này không chỉ giúp người dân tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi năm mà còn giúp giảm đến 8,5 tấn phân hóa học có thể gây hại môi trường”
    Nghĩa là cả xã Tân Hà tiết kiệm được hay mỗi nông hộ tiết kiệm được?
    -“Chưa hết, các bạn còn làm cầu nối giữa các chuyên gia kinh tế…với bà con nông dân trong việc nhận định thị trường, phán đoán giá cà phê…để có thể đưa ra quyết định…”.
    Nghĩa là tính biến hết nông dân Tân Hà thành chuyên gia thị trường?
    Một bài báo mơ hồ, thiếu tính khoa học, giống như báo cáo thành tích trong hội nghị thi đua.
    Xin đừng biến sinh viên, là con cháu của nông dân, thành những công dân sớm hư hỏng!

    1. Nhin khong duoc

      Tôi nghĩ không cần và cũng không nên tranh luận với nhau nhiều chỉ vì sự không rõ ràng trong bài báo mà có bạn đã kết luận là mơ hồ, thiếu tính khoa học(!). Có thể tác giả là một cháu SV chăng?

  6. hồng hải

    Trên đời tôi sợ nhất là kẻ ít hiểu biết mà lại có quyền đó các bạn ạ.
    Cảm giác nó giống như bạn đang ngồi trên chiếc máy bay mà phi công chỉ mới có kinh nghiệm 1 tuần bay.
    Ôi chao! Sống chung với cảm giác đó nó mới khủng khiếp làm sao, dù biết có bao người giỏi nhưng đành phải chịu thua … định mệnh!

  7. Labacafe

    Tôi chỉ xin chia sẻ như thế này
    Tôi nhớ khoảng năm 1990, nhà tôi là điểm xay cà phê dịch vụ. Thời đó chổ tôi chưa có máy xay cà phê chạy rong gọn nhẹ như bây giờ, dàn xay cà phê thì rất là hoành tráng. Vì xay dịch vụ cho cả vùng nên vỏ cà phê chất thành núi. Lúc đó không nghĩ làm phân gì cả chỉ mong sao giải quyết được cái của nợ thôi. Đành phải đổ vào vườn cà phê, lúc đầu là đổ đống vì sợ nó nóng làm chết cà phê. Nhưng thời gian thì nó mục ra và những cây cà phê quanh đó rất tốt, năng suất khỏi phải bàn. Thế là tôi thí điểm, rải đều khoảng 1hecta, đổ dày lên cỡ 3 tấc. Rãi thành nhiều lần và canh mùa mưa mới dám rãi. Tôi có thể khẳng định là sau 2 năm (vì tôi rãi thô chứ không ủ vi sinh gì cả) vườn cà tốt và năng suất thấy rõ, cái lợi nữa là cỏ chỉ mọc vài cây lèo tèo. Cái hại duy nhất (hè hè là tôi thấy), đó là bà con lối xóm ai tới xay cà phê cũng lấy bao hốt vỏ về sau khi thấy tôi làm hiệu quả. Tôi nói bạn có tin không chứ có năm ‘khốn khó’ tôi chỉ bón Kali 1lần duy nhất, năng suất vẫn 3-4 tấn là thường và cái nữa là dù có El nino không tưới vườn cà vẫn sống khoẻ.

    Cho nên cái giá trị ở đây không nằm ở 90 triệu đó đâu mà ở chổ tất cả bà con sẽ ứng dụng điều này và khi đó nó mới mang lại giá trị thực sự. Họ ứng dụng từ năm này qua năm khác và khi đó giá trị không đếm xuể bạn ơi.
    Căn cứ đó tôi nghĩ nếu ủ tạo vi sinh trước thì sẽ tốt hơn và rút ngắn thời gian xuống thay vì phải 2 năm như tôi làm.

    Hè hè, cho nên không phải tôi nói ngang khi nói cái điều mà anh nói ngang đang ngang nhiên nói là nói ngang. (nói vui thôi khi thấy nick của bạn cũng có vần)

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86