Vùng núi Blue Mountain là khu vực cao nhất của Jamaica, cũng là một trong những vùng trồng cà phê cao cấp nhất trên thế giới.
Trong vài thập kỷ qua cà phê Jamaica Blue Mountain đã phát triển danh tiếng, khiến nó trở thành một trong những loại cà phê đắt nhất và được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới.
Sự hiếm có của cà phê Blue Mountain khiến cho mỗi bao cà phê phê xuất xứ từ đây đều phải được Ủy ban Công nghiệp Cà phê kiểm tra và chứng nhận trước khi được dán nhãn với tên Blue Mountain.
Thực sự chỉ có một vùng trồng cà phê ở Jamaica, và nó có lẽ là một trong những vùng trồng nổi tiếng nhất trên thế giới – Blue Mountain
Tổng quan về cà phê Jamaica
Jamaica là môt quốc đảo thuộc vùng Biển Caribbean, thời gian còn là thuộc địa của Tây Ban Nha nơi này được gọi là Santiago – Bên ngoài ngành cà phê, Jamaica từ lâu đã nổi tiếng như một địa điểm du lịch của chủ nghĩa trải nghiệm, lãng mạng sang trọng.
Trên thị trường sản xuất cà phê thế giới Jamaica đứng ở vị trí 43, gần như đóng góp không đáng kể vào sản lượng cà phê toàn cầu. Các thống kê về sản sản lượng cho thấy những con số rất khiêm tốn tại quốc đảo này, nhưng đó không phải là đại diện cho chất lượng cà phê tại đây, mà thậm chí là hoàn toàn ngược lại. Số liệu của CafeImports năm 2017 sẽ minh chứng cho điều này:
Quy mô sản xuất:
- Dân số tham gia vào ngành cà phê: xấp xỉ 10.000 nông dân
- Quy mô trang trại trung bình: nhỏ hơn 1ha
- Sản lượng xuất khẩu hàng năm: chỉ khoảng 1.000 bao (60 kg)
Hoạt động canh tác cà phê Jamaica
- Các khu vực đang canh tác cà phê: duy nhất vùng Blue Mountains
- Giống cà phê phổ biến: Bourbon, Typica và Blue Mountain,..
- Phương pháp chế biến: Chế biến ướt.
Nhà thám hiểm, hải quân người Pháp – Gabriel de Clieu, đã mang cây cà phê đầu tiên từ Pháp đến đảo Martinique ở Caribê. Sau đó giống cà phê này được Sir. Nicholas Laws, thống đốc Jamaica mua về (năm 1725) và đây là lần đâu cây cà phê được trông trên quốc đảo, từ đó câu chuyện về cà phê ở Jamaica đã được bắt đầu. Trong nhiều thập kỷ sau đó, cà phê tại Jamaica đã phát triển danh tiếng trở thành một trong những loại cà phê đắt nhất, được yêu thích nhất trên thế giới.
Ban đầu sản xuất của nó tương đối hạn chế; năm 1752 Jamaica chỉ xuất khẩu được khoảng 27 tấn cà phê. Sự bùng nổ bắt đầu vào nửa sau của thế kỷ 18, với cà phê lan rộng từ khu vực Saint Andrew đến Blue Mountains. Năm 1800, 686 đồn điền cà phê đã đi vào hoạt động và đến năm 1814, sản lượng hàng năm của Jamaica là khoảng 15.000 tấn.
[ Tìm hiểu đầy đủ về cà phê Jamaica ]
Cà phê Jamaica Blue Mountain
Vùng núi Blue Mountain, là nóc nhà cao nhất của Jamaica với độ cao 2.256 mét, đồng thời là một trong những ngọn núi cao nhất ở vùng Caribbean. Vì vậy Blue Mountain cũng là một trong những vùng canh tác cà phê cao nhất thế giới. Do là một khu bảo tồn thiên nhiên nên hầu hết các cây cà phê được canh tác tối đa đến 1.670 mét. Tuy nhiên, với khí hậu mát mẻ của toàn khu vực kết hợp với sương mù lượng mưa cao, đất đai phong phú đã tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của cây cà phê tại vùng núi Blue Mountain.
“Jamaica Blue Mountain” là một trong những mảng tiếp thị thành công nhất trong lịch sử cà phê, khu vực đặc biệt này của Jamaica được xác định rõ ràng và được bảo vệ tốt. Chỉ những loại cà phê được trồng ở độ cao từ 900 đến 1.500m tại các giáo xứ: Saint Andrew, Saint Thomas, Portland và Saint Mary mới có thể được gọi là ‘Jamaica Blue Mountain’. Cà phê được trồng ở độ cao từ 450 đến 900m có thể được gọi là ‘Jamaica High Mountain’, và bất cứ thứ gì bên dưới này có thể được gọi là ‘Jamaica Supreme’ hoặc ‘Jamaica Low Mountain‘ (Theo The World Atlas of Coffee).
Việc truy xuất nguồn gốc của cà phê Blue Mountain có thể khó khăn, vì hầu hết cà phê được bán dưới tên của nhà máy – nơi chúng được chế biến. Những nhà máy này đôi khi sản xuất cà phê từ một điền trang lớn riêng biệt, nhưng thông thường họ mua từ vô số các hộ nhỏ trồng cà phê trong khu vực.
Thương hiệu cà phê Jamaica Blue Mountain
Cà phê Blue Mountain rất quan trọng đối với nền kinh tế cà phê của Jamaica vì vậy để đảm bảo uy tín chất lượng, cà phê luôn được kiểm tra và chứng nhận bởi Ban Công nghiệp Cà Phê (Coffee Industry Board) trước khi được dán nhãn xuất xứ với tên Blue Mountain.
Hầu hết cà phê Jamaica Blue Mountain được chế biến ướt. Gần đây, Bộ Công nghiệp Thương mại của Jamaica đã bắt đầu khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất cà phê ra các vùng bên ngoài dãy núi Blue Mountain nổi tiếng (để cho phép quốc đảo này tối đa hoá sản lượng thương mại). Tạo ra nhiều cà phê hơn cho tiêu dùng trong nước.
Trong một thời gian dài, phần lớn sản lượng Blue Mountain của Jamaica được bán cho Nhật Bản. Nó được xuất khẩu trong các thùng gỗ nhỏ hơn là trong các túi đay – Đến nay, nó vẫn được duy trì như một nét đặc trưng của loại cà phê này. Cũng cần lưu ý rằng, do khả năng đạt được giá rất cao, nên trên thị trường thường có một lượng lớn cà phê bị đánh lừa nhãn hiệu là Blue Mountain.
Ban quản lý Cà phê Jamaica
Các quốc gia đứng đầu về sản xuất cà phê luôn có sự hậu thuẫn vững chắc từ ủy ban chuyên trách cà phê trong nước, với vai trò hỗ trợ, định hướng ngành cà phê và xây dựng thương hiệu cà phê quốc gia. Nếu như Colombia có FNC ( Fondo Nacional del Café ), thì thương hiệu “Kilimanjaro Coffee” của Tazania được xây dựng bởi ban quản lý cà phê Tanzania (Tanzanian Coffee Board). Tại Jamaica vai trò này được đảm nhận bởi Ban Công nghiệp Cà phê Jamaica (Coffee Industry Board – CIB).
CIB trực tiếp giám sát và cấp phép cho ngành công nghiệp cà phê của Jamaica bao gồm các trang trại cà phê, vườn ươm, nhà chế biến cà phê, các đại lý cà phê… và cả người tiêu dùng. Một trong những vai trò lớn nhất của CIB là kiểm soát các vấn đề liên quan đến sở hữu thương hiệu cà phê bao gồm: Jamaica Blue Mountain ® và cao cấp hơn là Jamaica High Mountain ®. Ngoài ra, CIB còn hỗ trợ nông dân với các giống cây trồng, kiểm soát sâu bệnh, dự báo thời tiết, và tư vấn kỹ thuật…
Từ một điểm khởi đầu khiêm tốn, cà phê từ vùng Blue Mountain đạt được danh tiếng chậm và ổn định cho đến khi chúng được coi là một trong những loại cà phê ngon nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ngày nay cà phê của Jamaica thực sự khó cạnh tranh với những loại cà phê ngon nhất từ Trung và Nam Mỹ, hoặc Đông Phi. Chúng thiếu sự phức tạp hoặc các đặc điểm riêng biệt mà người ta có thể mong đợi từ các loại cà phê đặc sản.
Tuy nhiên, Jamaica đã liên tục sản xuất và tiếp thị một cách khéo léo những loại cà phê “đặc sản” từ rất lâu trước những nhà sản xuất khác, và điều này đã mang lại cho cà phê của Jamaica một lợi thế khác biệt trong một thời gian dài – đến tận hôm nay.
Nguồn tham khảo:
- The World Atlas of Coffee: From Beans to Brewing – Coffees Explored, Explained and Enjoyed book by James Hoffmann
- Origins Coffee – Resource: www.cafeimports.com
Theo PrimeCoffee