Cân đối phân bón cho cà phê

Từ lâu bà con ta đã có thói quen sử dụng phân hóa học, nhất là khi những nhà máy phân vi sinh, lân hữu cơ làm ăn kém hiệu quả không còn sản xuất nữa.

Cùng với nạn phân chuồng dổm, phân đểu tràn lan thì nông dân không còn chú ý đến phân hữu cơ nữa. Đây là một nhận thức sai lầm mà nông dân cần nhanh chóng thay đổi.

Cân đối phân bón cho cà phê
Cân đối phân bón cho cà phê

Đa số diện tích cây cà phê ở Đắk Lắk đã trồng cách đây hơn 20 năm. Nên trong quá trình chăm sóc bà con đã rút ra được những kinh nghiệm nhất định cho vườn cà phê của mình để sử dụng phân bón tiết kiệm và có hiệu quả.

Điều đáng nói ở đây là việc sử dụng phân bón ngày càng thiếu hợp lí, cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ. Đặc biệt trong khoảng 5 năm trở lại đây lượng phân hữu cơ ngày càng khan hiếm, lại xuất hiện thêm nạn phân giả, phân đểu làm bà con tốn tiền vô ích mà còn kéo theo hệ lụy là một số vườn cà phê bị hư hại nặng, phục hồi rất tốn kém nên nhiều bà con chỉ chú trọng bón phân hóa học.

Trước đây trong tỉnh có một số nhà máy phân lân hữu cơ, phân lân vi sinh và nguồn phân chuồng từ các buôn làng còn có thêm nguồn phân từ các tỉnh khác đưa về và phân cá (xác bả từ việc chế biến nước mắm) … Nay lượng phân chuồng trong tỉnh ít dần, các nhà máy đóng cửa vì làm ăn kém hiệu quả, nguồn phân từ tỉnh ngoài hầu như không còn nữa bởi nhiều lí do, trong đó phải kể trước tiên là giá cước vận chuyển quá cao.

Gần đây các nhà khoa học khuyến cáo bà con nên tăng cường sử dụng phân bón lá. Việc sử dụng phân bón lá giúp cây hấp thu dưỡng chất nhanh tránh được thất thoát do quá trình bay hơi hoặc rửa trôi của phân hóa học. Các chất vi lượng trong phân bón lá cũng dễ dàng có hiệu quả hơn khi bón vào đất.

Đồng thời việc sử dụng phân bón lá làm hạn chế bớt tác động xấu của phân hóa học đối với đất đai và môi trường, tiết kiệm được phí vận chuyển, tiền mua phân bón và lượng nhân công đáng kể. Khi các nhà khoa học đã khuyến cáo thì bà con nên áp dụng vì đó là những tiến bộ mới. Bà con nên sử dụng phân bón lá chia làm ít nhất là 2 lần trong mùa mưa, khi độ ẩm trong vườn cao sẽ thấy hiệu quả tức thì.

Việc bón phân hóa học cũng có những hạn chế nhất định. Trước hết là thói quen sử dụng phân hỗn hợp NPK hơn là phân đơn,. Do dễ sử dụng, không cần tính toán phức tạp về số lượng các đơn chất cần thiết. Hay nếu có sử dụng phân đơn thì bà con cũng truyền nhau kinh nghiệm phối trộn theo tỉ lệ mà không căn cứ vào nhu cầu của cây cà phê theo từng giai đoạn hay căn cứ vào từng vườn, từng chất đất cụ thể. Có thể nói có bao nhiêu hãng phân hay bao nhiêu loại phân hỗn hợp thì có bấy nhiêu cách sử dụng của bà con. Đây là những thất thoát, tốn kém vô hình mà bà con không thể lường hết được.

Điều quan trọng nhất trong quá trình bón phân cho cây cà phê là phải biết được nhu cầu của cây trong từng thời kỳ sinh trưởng như bón lót cho trồng mới, cho thời kỳ kiến thiết cơ bản, thời kỳ kinh doanh…và trong từng giai đoạn nhất định mà sử dụng phân bón hợp lý.

Hiện nay, bên cạnh việc chọn giống, cải tạo vườn cà phê, sản xuất theo hướng bền vững thì đa số vườn cà phê đã tiến đến giai đoạn già cổi, năng suất bắt đầu giảm sút nên rất cần việc cân đối phân bón góp phần cải tạo đất. Khi chưa có điều kiện để thay thế, trồng mới hoặc còn có thể chăm bón để kinh doanh thêm một thời gian nữa thì việc cải tạo đất phải đặt lên hàng đầu, trong đó việc sử dụng phân hữu cơ mang tính quyết định.

Rất mong được bà con góp ý và cùng thực hiện.

>> Nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng phân bón

Nguyễn Vịnh
Cư Kuin, Đak Lak

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Văn Dân

    Tôi thấy nông dân chúng ta rất ít bón phân hữu cơ, chủ yếu là bón phân vô cơ, đây cũng là điều dễ hiểu, vì mua phân chuồng thì bị phân dởm, phân đểu, phân vi sinh vì lợi nhuận cao nên các nhà máy sản xuất không bảo đảm chất lượng, ví dụ: trong chế phẩm phân vi sinh có hàm lượng than bùn, thế nhưng mấy ông nhà máy phân vi sinh lợi dụng đó tìm vùng ruộng có đất màu đen múc về xay ra trộn với một ít phụ gia nữa rồi ghi ngoài bao bì đầy đủ các hàm lượng vi lượng. Mà họ làm ở đâu khuất mắt người dân không thấy còn được, nhưng đằng này họ chẳng cần dấu diếm gì, làm ngay trước mắt cho người dân trông thấy, thì làm sao người dân tin nỗi mà mua. Hiện nay thật giả lẫn lộn chẳng biết tin ai, thôi thì làm cà phê phải bón phân, cứ mua phân về bón đủ hữu cơ, vô cơ, còn mình mua phân có phải là “phân” không thì hên xui biết đâu mà chọn.

  2. Hòa Thuận

    Phần lớn bà con mình còn khó khăn, đầu tư tốt cho cafe còn hạn chế, nhưng nếu có dược sự tư vấn tốt của những người có kinh nghiệm thì phần nào giúp bà con ít tốn kém , lãng phí hơn.
    Với tiêu chí này tôi thấy bà con nên tham khảo để ầu tư hiệu quả: nên mua phân đơn: ure, lân , kali rồi tự trộn để bón, làm như vậy chất lượng đảm bảo và giá thành lại thấp , tránh được sự làm ăn gian dối của các doanh nghiệp NPK không trộn đủ thành phần các chất, nhất là kali, vì giá phân này cao, thay vào đó họ trộn nhiều phụ gia, va nhất là tránh được phân giả
    Theo kinh nghiệm đông đảo bà con ở Đạt lý, trồng cafe rất hiệu quả thường trộn theo công thức như sau ( có sự hướng dẫn của cán bộ Viện Ea kmat): trộn 1 bao ure 50 kg + 1 bao kali 50 kg + 1 bao lân Văn điển 50 kg để bón cho 3 sào/ 1 đợt.
    cách làm này rất hiệu quả : RẺ TIỀN – KHÔNG SỢ BỊ PHÂN GIẢ – ĐẨM BẢO ĐỦ CHẤT CHO CAFE
    Chúc bà con khỏe.

    1. lê văn phác

      anh hòa thuận ạ,tôi nghĩ và làm giống y như anh nói, nhưng tôi hỏi thêm là: anh bón 150kg cho 3 sào/1đợt, đó là cà phê năm thứ mấy?

    2. duykhoacafe

      rất cảm ơn ý kiến đóng góp của bạn Hoa Thuân! Nhưng mình thấy sự phối trộn giữa các loại phân đơn chưa được hợp lý lắm. Theo mình được biết thì cần phải phối trộn các loại đơn đó theo từng đơt trong mùa ( đầu mùa mưa- giữa mùa và cuối mùa) một cách hợp lý. Để tránh tình trạng lãng phí phân bón mà mang lại hiệu quả kinh tế không cao.

  3. nhuonggialai

    Chuyên gia ơi,hãy vào cuộc giúp bà con với!Đang thời kì chăm sóc bón phân,dân làm cà phê lâu năm như bà con Đạt Lý(Đak Lak)mà bón phân như bạn Hoà Thuận thì (theo tôi) chỉ tổ làm giàu cho nước Nga thôi.

    1. Vũ Thế Thịnh

      Việc bón phân cho cà phê phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là độ tuổi, năng suất của vườn cây và thành phần dinh dưỡng trong đất. Nếu bà con nào chưa được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng phân bón thì nên đến Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để được tư vấn và hướng dẫn; địa chỉ: số 53 Nguyễn Lương Bằng, Hòa Thắng, Buôn Ma Thuột. Đảm bảo sau khi được tư vấn và hướng dẫn bà con sẽ sử dụng có hiệu quả hơn rất nhiều so với việc bón phân theo kinh nghiệm.

  4. Nông Văn Dân

    Theo tôi thường bón phân trộn, nhưng không trộn chung Lân với các loại Đạm, mà Lân là loại phân lâu tan cho nên lượng phân dự kiến bón trong mừa mưa tôi bón luôn một lần đầu mùa mưa, sau đó lượng phân Đạm và Ka ly tôi chia làm 3 đợt :
    – Đợt 1 : 2 Bao sunfat + 1 bao ure + 1 bao kaly ( chúng ta cần bón sunfat vì trong sunfat có lưu huynh ).
    – Đợt 2 : 2 bao ure + 1 bao kaly đợt này không bón sunfat nữa vì nếu bón sunfat cà phê sẽ lâu chín.
    – Đợt 3 : Bón phân NPK đầu trâu ( loại phân này ít bị giả hơn ) .
    ngoài ra trước lúc tưới 1 tuần tôi xịt cung cấp siêu bo và các vi lượng như kẽm, đồng, man gan …
    Đó là cách bón của gia đình tôi, Bác nào có cách bón phân khác hiệu quả hơn, ta trao đổi để học tập rút kinh nghiệm

    1. ldthinh1991

      Cách bón này rất tuyệt vời, nếu có điều kiện sử dụng thêm hữu cơ vi sinh thì không cần phải phun phân bón lá mà còn giúp cải tạo đất.

  5. Hòa Thuận

    nói thêm bà con cho rỏ, kinh nghiệm của nhà tôi : 1,5 ha, tôi bón 1 năm 4 đợt, đợt đầu tiên là lần tưới đầu tiên cho cafe ra hoa : 0,2 kg sulfate (SA) /1cây, rồi từ đầu mùa mưa cho tới tháng 9 bón thêm 3 đợt như đã nói ( 1 lân, 1kali, 1 ure/ 3 sào) năng suất ổn định từ 6 tấn- 8 tấn / năm. ( 1, 5 ha)
    anh Dân không nên trộn chung SA với K, nếu phân ẩm sẽ bị phản ứng làm mất chất, anh thử rưới lên phân trộn của anh 1 ít nước sẽ thấy : mùi bay lên nồng nặc…. nên trộn theo công thức chuẩn : N-P-K ( đạm- lân- kali) theo các nhà máy hay áp dụng, tỉ lện tốt nhất cho cây cafe kinh doanh là 15-5-15.( tài liệu viện cafe ). còn nếu tốt nữa thì lấy đất đến viện để phân tích mà bón cho phù hợp.
    vài dong cùng chia xẽ với bà con.
    chúc thành đạt,

    1. lich

      theo công thức trộn của anh là. 1 bao lân, 1 bao kali, 1 bao ure hả. nếu mình bón phân lân trước vài ngày rồi bón mới bón hai loại kia được không a. cảm ơn a nhiều

  6. Nguyễn Vịnh

    +Kính anh Nông Văn Dân và bà con cộng đồng Y5cafe.
    Rất vui khi được anh chia sẻ kinh nghiệm bón phân của mình.
    Để bà con dễ dàng tiếp thu học tập, xin anh cho biết thêm :
    -Số liệu anh cung cấp sử dụng cho diện tích cụ thể? cà phê KD năm thứ?hay KTCB?
    -Số lần sử dụng phân bón lá/năm?liều lượng?thời điểm?
    -Việc sử dụng kết hợp phân hữu cơ?loại phân?số lượng?thời điểm?
    +Xin anh nhuonggialai phản hồi rõ nhận xét của mình hơn nữa để bà con hiểu được chỗ bất hợp lý.
    +Phối trộn như bà con ở Đạt lý là có phần hợp lí về tỉ lệ.
    Mong được đón nhận thêm nhiều phản hồi chia sẻ của bà con.

    1. Nguyễn Vịnh

      Đôi điều xin nói thêm.
      Qua phản hồi của bà con mới thấy nổi bật vấn đề quan trọng đó là việc sử dụng phân hữu cơ.
      Các khuyến cáo của các nhà khoa học về nông nghiệp gần đây trên thế giới đều chỉ rõ tác hại của việc sử dụng quá nhiều phân hóa học làm cho đất đai bị thoái hóa dẫn đến năng suất năm sau kém hơn năm trước. Để có năng suất thì nông dân buộc năm sau phải bỏ nhiều phân hóa học hơn nữa. Đây là vòng lẫn quẫn. Đến lúc đất đai không thể canh tác được nữa vì chất hóa học tồn dư đã biến thành chất độc hại làm cây cối không mọc nổi. Bà con tăng cường sử dụng phân hữu cơ theo hướng “canh tác bền vững” chính là để ngăn chận điều đã biết trước này. Không dễ gì thay đổi được thói quen của chủ nghĩa kinh nghiệm và sự chủ quan của nông dân nhưng xin vẫn được lên tiếng cảnh báo!Mong bà con hiểu.

  7. DVN

    Chào các bác !
    Bác Nông Văn Dân tin tưởng vào NPK Đầu trâu mời bác đọc báo Pháp Luật ngày 30/7.
    Bác cứ việc trộn SA với kali không làm mất chất như bác Hòa Thuận nói đâu .Phân SA chỉ kỵ với vôi và Lân nung chẩy (Văn Điển ,Ninh Bình) thôi .
    -Nhân đây khuyến cáo các bác 1 vài công thức sử dụng phân bón .
    1/Mùa tưới bón nhiều ni tơ (N) các chất khác bón ít nhưng đều phải có .(P2O5,K2O,S,MgO,Cu,Zn,Fe,B…) đặc biệt chú ý bón B(Bo) để đậu hoa .tỷ lệ NPK phù hợp là 15-5-5 hoặc 20-5-5 .
    2/Mùa mưa chia phân bón càng nhiều đợt càng tốt vì bón ít đợt mỗi đợt bón nhiều sẽ bị rửa trôi hay bay hơi .Nếu các bạn bón 3 đợt theo truyền thống thì bón theo tỷ lệ NPK như sau :
    -Đợt 1 bón theo tỷ lệ từ 2-3-1 hoặc 3-3-1 đợt này cần nhiều P2O5 để phát triển bộ rễ cần ít Kali(K2O).đợt này nên bón bổ xung lưu hùynh (S) và ma nhê (Mg) .
    -Đợt 2 bón tỷ lệ 2-1-2 hoặc 3-1-3 cũng được (ít P2O5 tăng dần K2O).
    -Đợt 3 bón tỷ lệ 2-1-3 hoặc 2-0-3 chủ yếu kali là chính (để nuôi trái ).
    2 đợt sau (đợt 2 và 3 nên bón bổ xung kẽm Zn).
    3/Nếu dùng phân NPK 16-16-8-13s chỉ nên dùng 1 lần (Đợt 1) vì bón nhiều lưu hùynh quá sẽ làm chua đất .
    Chào các bác .

  8. Lam

    Chào mọi người,

    Theo như những thông tin từ bài báo ở trên, cũng như sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã chứng minh, phân bón lá rất hiệu quả trong việc chăm sóc cây trồng.
    Hiện tại, thị trường Việt Nam đã có mặt phân bón lá NutraGreen, một loại phân bón công nghệ Nano (kích thước hạt siêu nhỏ), giúp xâm nhập tốt qua bề mặt lá, hoặc rễ cây, giúp cây hấp thu tối đa chất dinh dưỡng mà các loại phân bón thông thường không thể có được.
    Với loại phân bón này, chỉ cần dùng 2 lít NutraGreen pha loãng với nước đã có thể phun cho 1 ha cà phê.
    Loại phân bón này chỉ chọn những nhà phân phối có uy tín tại Việt Nam đẻ nhập hàng, nên bà con không cần lo lắng với nạn phân bón giả.
    Để bà con có thêm thông tin về sản phẩm này, mời bà con vào xem trang web http://www.nutragreen.com.vn để tìm hiểu thêm thông tin.
    Chúc bà con một vụ mùa bội thu, giá cao, lãi nhiều!!!

  9. Nông Văn Dân

    Dân tôi nhất trí với ý kiến của Bác DVN chúng ta bón phân phải kết hợp với kinh nghiệm và khoa học nếu theo anh Hòa Thuận trộng SA với K bị phản ứng thì chắc chắn anh trộn K với Ure cũng bị phản úng vì SA là đạm 1 lá tỷ lệ N = 21%, còn Ure là đạm 2 lá tỷ lệ N = 46% . Về tỷ lệ trộn và lượng phân bón nên áp dụng như ý kiến của anh DVN, tôi thấy ý kiến của anh DVN là chí lý.

  10. Hòa Thuận

    bà con chúng tôi rất cảm kích thịnh tình của các bác, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nhưng mong bác DVN nói cụ thể hơn tí nữa thì tốt biết mấy, cụ thể là nếu là tỉ lệ 3-2-1 thì sẽ phối trộn các khối lượng phân cụ thể là bao nhiêu kg mỗi thứ? khối lượng phân mỗi đợt năng suất của bà con chúng tôi thường 4 đến 6 tấn nhân thành phẩm/ 1 ha thì khối lượng phân của từng đợt của bác là bao nhiêu kg ?
    Rất mong được sự chỉ dẫn cụ thể của các bác !! vui mừng lắm thay.
    chúc các bác vui khỏe.

  11. DVN

    Chào bác Hòa Thuận !
    -Tỷ lệ 3-2-1 là tỷ trọng của 3 chất N-P2Ọ5-K2O .Ví dụ các lọai NPK có hàm lựơng như sau:
    NPK 15-10-5 ,NPK 18-12-6 ,NPK 21-14-7 …. Đều đạt tỷ lệ 3-2-1 .
    Để làm ra 1 lọai phân ví dụ NPK 18-12-6 Cũng có nhiều cách tùy thuộc bác dùng nguyên liệu nào ,hàm lựợng trong nguyên liệu là bao nhiêu ?. Cụ thể để làm ra 1 tấn NPK 18-12 -6 Như sau :
    DAP = 261 Kg (sẽ được 261x 46% =120 kg P2Ọ và 261 x18% =47 kg N).
    SA =633,3 Kg (Sẽ được 633,3 x 21% =133 kg N).
    Kali (KCl) = 100 kg (sẽ được 100 x60% =60 kg K2O)
    Chất độn =5,7 kg
    Tổng cộng khối lượng 261+633,3+100 +5,7=1000 (1 Tấn)
    Cộng hàm lượng N=47 kg +133kg= 180 kg (tức N=18%)
    P2O5 =120 Kg (Tức P2O5=12%)
    K2O =60 kg (Tức K2O=6%)
    Vậy là bác đã có 1 tấn NPK hàm lượng 18-12-6 (tức tỷ lệ 3-2-1).nếu bác không dùng chất độn thì chỉ được 994,3 kg vẫn đúng tỷ lệ 3-2-1 .Các lọai phân khác cách làm cũng tương tự
    Câu hỏi của bác còn 1 vế nữa là khối lượng phân từng đợt là bao nhiêu để được 4 đến 6 tấn nhân .Tôi xin trả lời như sau :
    -Không có lọai phân bón nào bảo đảm được năng suất cả ,ns còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời tiết ,giống ,tuổi cây cà phê ,thổ nhưỡng,thời tiết ,sâu bệnh ,phương pháp chăm sóc và sự siêng năng của người nông dân ….Bác ở đâu tôi không biết ,còn ở Đồng Nai được 3,5 đến 4 tấn là mừng lắm rồi .
    Chúc bác thành công .

    1. Hòa Thuận

      cảm ơn bác DVN nhiều.
      địa phương chúng tôi , đạt lý , Buôn ma thuột, phân đơn hay dùng là : ure, lân nung chảy Ninh Bình, kali liên xô (MOP)…, nên chắc cũng dễ tính toán,
      một lần nữa cảm kích sự nhiệt tình của bác, mong được sự chỉ giáo trong các chủ đề khác !!!

    2. mạnh hùng

      Kính chào bác DVN!
      Qua diễn đàn tôi thấy bác quả thật có một kiến thức rất sâu rộng về quy trình bỏ phân cho cafe. Tôi cũng như rất nhiều người dân ở đây ( Bảo lâm- Lâm đồng) khi lên diễn đàn để tham khảo kỹ thuật chăm sóc cafe và mong muốn cuối cùng là áp dụng cho vườn nhà mình. Nhưng thực tình mà nói thấy các bác tranh luận chúng tôi không hiểu 1 cái gì hết. Cụ thể là các bác đưa ra các thành phần % trong phân NPK người dân chúng tôi không hiểu hết được những công thức nhân chia gì đó. Để đơn giản hơn tôi xin ý kiến của bác giả đáp cho thắc mắc này tôi lấy ví dụ: tôi có 3ha cafe, tuổi của cây khoảng 16 năm. Niên vụ năm trước thu bình quân 3,5 tấn/ha. (năm trước nữa là 4,2 tấn/ha) Độ pH của đất thì tôi không biết được nhưng chắc chắn <7. Vậy năm nay tôi muốn bỏ phân đơn vào mùa mưa lượng phân phải bỏ là bao nhiêu/ 1 đợt? Mỗi đợt trong đó gồm bao nhiêu bao lân lâm thao,bao nhiêu bao kali? bao nhiêu bao ure? và theo bác thì muốn bổ sung bo,zn,Fe… thì tôi phải dùng loại phân nào ạ? rất mong nhận được phản hồi của bác cáng sớm càng tốt. Xin chân thành cảm ơn! cảm ơn Y5Cafe.

  12. nguyễn văn thịnh

    kính chào các anh chị trên diễn đàn này.
    Tôi một nông dân quê ở Tuy Hòa- Phú Yên làm cà phê tại Đắc Rung,khi lên mạng thấy có sự trao đổi cách bón phân trộn của các anh chị, tôi rất thích .
    Theo tôi cách làm của bà con Đạt lí thì hơi ít tốn kém hơn, nhưng như vậy cây cà phê có đủ chất để cây và trái phát triển cho ngay hiện tại và mùa sau hay không, mong các anh chị góp ý thêm xin cảm ơn ./.

  13. Thịnh T

    Tình cò vào trang nầy tôi xin được học hỏi thêm ở các bạn giàu kinh nghiệm về việc bón và cham sóc cây cafe
    Tôi ở BẢO LỘC có một hét ta cafe nay được ba năm
    Xin cho biết phải chăm sóc như thế nào để đạt được thành quả cho cuối năm ,bắt đầu bây giờ thì có quá trể không
    Chân thành cảm tạ

    1. Nguyễn Vịnh

      Thịnh T thân.
      Không rõ rẫy cà phê của bạn hiện nay như thế nào để trả lời, hơn nữa việc chăm sóc có rất nhiều công đoạn cũng nhiêu khê lắm mà không thể trả lời ngắn gọn trên diễn đàn được. Tốt nhất là bạn nên học hỏi ở những người ở rẫy bên cạnh mỗi khi một ít để nắm bắt kịp thời mà chăm sóc.Chỉ có thể trả lời cho bạn từng vấn đề một thôi. Chúc bạn nhiều cố gắng để thành công.

  14. Nguyễn Ngọc Lan

    Góp ý về các bài viết về phân bón vô cơ của ông Nguyễn Vịnh
    Cư Kuin, Đak Lak.
    Nhìn chung các bài viết hay và mang tinh khoa học cao. Diễn dàn Y5Cafe cũng có nhiều người am hiểu về phân bón, tranh luận hay.
    Tôi đề nghị các bài viết nên bổ sung một cách chi tiết lượng phân quy ra thương phẩm bón trên một gốc cà phê là bao nhiêu. Và nên có hướng dẫn cụ thể chi tiết cách quy đổi các công thức phân hóa học ra lượng phân thương phẩm.

  15. Đăk Nông

    Chào các bác trên diễn đàn.
    Các bác cho tôi hỏi hiện tôi có 3 sào cà phê đang ra hoa bói, nhìn chung là ko đẹp cho lắm. Tôi muốn pha phân đơn để bón cho mùa khô mà không biết cách pha trộn. Vậy bác nào biết thì giúp tôi với. Chân thành cảm ơn.

  16. Mai Cát Định

    Kính chào các anh chị trên diễn đàn cà phê.
    Tôi ở Gia Lai. Tôi có 1ha cà phê kinh doanh 25 năm, nói chung là cà già. Để bổ sung phân hữu cơ nhưng hiện nay phân chuồng kém chất lượng quá. Tôi muốn bòn phân vi sinh nhưng không biết loại nào tốt mong các anh chị chỉ giúp. Cảm ơn.

  17. nhattamtvdl

    Kính chào các anh chị trên diễn đàn cà phê
    Hôm rồi các anh chị đã hướng dẫn kỹ thuật trồng cafe catimor để đạt hiệu quả. Nhân đây cho em hỏi trồng năm đầu và năm thứ 2 nên bón phân như thế nào cho hợp lý. Các anh chị cho e xin công thức bón phân luôn. Cám ơn các anh chị

Tin đã đăng