Tạm trữ cà phê – Chi phí nhỏ, hưởng lợi nhiều

Ngay sau khi các DN triển khai quyết định thu mua, tạm trữ cà phê của Thủ tướng Chính phủ, giá cà phê trên thị trường đã dần nhích lên từ 23.000 – 26.000 đ/kg, thời điểm cao nhất đạt 29.000 đ/kg. Việc giá cà phê Việt Nam đột nhiên vực dậy khiến các đại gia của sàn cà phê London bị bất ngờ…

> Chính sách thu mua tạm trữ khiến giá cà phê tăng

tam-tru-ca-phe-khien-gia-tang
Chính sách thu mua tạm trữ khiến giá cà phê tăng

Mục tiêu cao nhất của chương trình tạm trữ lần này là đẩy giá cà phê thị trường trong nước và quốc tế lên cao. Theo đề xuất của Hiệp hội Cà phê- ca cao với Thủ tướng Chính phủ, để đạt được mục tiêu đề ra, dự kiến chúng ta phải thu mua tạm trữ khoảng 200 ngàn tấn cà phê mới có thể điều tiết được thị trường. Với mức hỗ trợ 6% lãi suất/năm, Chính phủ sẽ phải chi tới 200 tỉ, tuy nhiên quá trình triển khai đã đạt kết quả sớm hơn dự kiến. Các DN mới thu mua xấp xỉ 60 ngàn tấn, giá cà phê XK đang từ 1.270 USD/tấn FOB Việt Nam đã tăng lên 1.620 USD/tấn.

Theo phân tích của ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT Cty CP XNK INTIMEX thì quyết định tạm trữ của Chính phủ là yếu tố quan trọng đưa thị trường phục hồi trở lại. Hiện phần lớn giao dịch cà phê của Việt Nam trên sàn cà phê London đều là giao dịch mua cà phê trên giấy nên giá cà phê không đúng với giá thị trường thực tế mà bị điều tiết bởi các nhà đầu cơ tài chính. Do nguồn vốn của các DN kinh doanh cà phê của Việt Nam quá hạn hẹp, thời gian ngân hàng cho vay vốn chỉ 2-3 tháng. DN phải bán tháo cà phê, xoay vòng vốn liên tục để trả nợ ngân hàng nên thường bị giới đầu cơ nước ngoài đưa vào “rọ”.

Các DN nước ngoài sẵn sàng tung tiền tạo giao dịch ảo trên sàn London để hạ giá cà phê xuống thấp. Tính toán của Hiệp hội Cà phê- ca cao, chỉ 2% số lượng giao dịch cà phê Việt Nam trên sàn London là giao dịch thực tế. Vì vậy, để chống lại “trò chơi” của nhà đầu cơ tài chính trên thị trường thế giới, người trồng cà phê Việt Nam, DN kinh doanh cà phê rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ về nguồn vốn trong các niên vụ cà phê. Đây là lần thứ 2 Chính phủ có quyết định tạm trữ cho ngành cà phê nhưng rút kinh nghiệm thất bại lần trước, chúng ta đã có quyết định linh hoạt hơn về số lượng, về chế độ trách nhiệm giao cho DN.

Ông Vân Thành Huy – Chủ tịch HDQT Cty CP ĐTXNK Đăk Lăk cho rằng chính sách của Chính phủ có tác dụng như một đòn bẩy, tạo dựng niềm tin cho thị trường. Nếu các DN Việt Nam tạm trữ 60 ngàn tấn thì DN nước ngoài họ thu mua tới 100 ngàn tấn và trong dân còn tạm trữ nhiều hơn thế. Đánh giá một cách toàn diện, chính sách tạm trữ cà phê lần này không chỉ có tác dụng vực lại giá cà phê trên thị trường mà còn cứu nguy cho rất nhiều DN cà phê đang trên bờ vực phá sản, đem lại nguồn ngoại tệ cho đất nước mà tổng chi phí đến nay chỉ hết 45 tỉ, bằng 25% dự kiến.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được chúng ta cũng cần phải rút kinh nghiệm, khắc phục những vướng mắc tạo nên độ trễ của chính sách khi tổ chức triển khai. Ví dụ, một Ngân hàng NN- PTNT khó có thể vừa đảm bảo lập tức nguồn vốn, vừa đảm bảo nhân lực để triển khai chính sách nên việc triển khai cấp vốn không nên tập trung vào một ngân hàng mà cần mở rộng cho 3-4 ngân hàng. Đối với các DN được lựa chọn cũng phải tuyển kĩ càng hơn, chỉ sử dụng những DN có khả năng tài chính, có thị trường, mạng lưới mua hàng, kho dự trữ…Thêm nữa là thời gian tạm trữ 3 tháng là quá ngắn và chúng ta vẫn chạy theo giải quyết sự việc.

Xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn trên, Hiệp hội Cà phê- ca cao Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ xem xét tăng thời gian tạm trữ lên 6- 9 tháng có như vậy DN mới chủ động phân kì tiêu thụ, đồng thời cũng cần triển khai chương trình tạm trữ 200.000 tấn từ đầu tháng 10 năm nay. Giá cà phê thế giới hiện nay đang ở mức cao. Song mùa vụ của Brazil đang đến, nếu sản lượng của nước này đạt 47 triệu bao như dự báo cách đây 3 tháng thì giá thế giới sẽ không thể tăng mà sẽ giảm dần. Nếu giá đạt mức cao thì DN chỉ cần tạo điều kiện để dễ dàng vay vốn, không cần Nhà nước hỗ trợ lãi suất.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. bilamsao

    Năm nay do hiện tượng en-ni-no nên năng suất cà phê tăng bất thường, cũng cần tính đến yếu tố năng suất của Brazil để triển khai cho phù hợp. Nên dự trự ngay từ đầu vụ, đợi cho sản lượng của Brazil tiêu thụ được một phần rồi mới bán ra. Như vậy giá có thể tốt hơn. Ngay đầu vụ có thể sẽ bị ép giá. Nhà nước nên tăng thời gian tạm trữ lên khoảng 5-8 tháng khi mà lượng cà phê Brazil tiêu thụ gần hết chúng ta mới bán. Như thế sẽ không gặp khó.

  2. Hồ Điệp

    Mấy ông này bắt đầu kể công rồi đây, đúng là tát nước theo mưa. Có mua được mấy hột cà phê đâu mà. Chán thật!!!

  3. Vũ Hoàng Lê

    Hiện tại là cơ hội để cho bà con nông dân còn càfê đem bán, bây giờ theo tôi nghĩ bán cafe là hợp lý nhất. Ko nên để đến khi Brazil thu hoạch xong mình mới bán thì lúc đó giá cafe sẽ xuống thấp hơn bây giờ. hãy bán bây giờ, và đợi đến khi thu hoạch vụ mới.

  4. thanh tuyen

    Bán gi? chưa thu hái được trái nào mà bán. Đâu phải nông dân nào cũng trữ được cafe đâu. Mùa nào ăn mua đó là may rùi

  5. le quang lam

    Nguyên nhân giá cà pê thấp là do tụi nó mua bán trên giấy.như vậy là thị trường ảo của bọn tài phiệt giàu có ở nước ngoài.Nếu nhà nước quan tâm đến nông dân nói chung ,nông dân trồng cape nói riêng để có những quốc sách đánh trả được mưu mô thâm độc của chúng thì cà pê của chúng ta sẽ vang danh khắp thiên hạ.còn nữa nhà nước chúng ta cần có những tình báo kinh tế xâm nhập vào hang ổ cua bọn chúng để điêu tra mọi diển biến của chúng.Nếu có thể tôi xung phong làm điệp viên số 1 và tôi sẽ tuyển dụng một số điệp viên xuất sắc .Dứoi sự chỉ đao của tôi thì tất cả đều hoàn hảo. Nhưng tôi đi rồi thì ai hái capê cho tôi đây?! mùa thu hoạch đến nơi rồi mà nhân công chưa có.Mọi năm còn có người ngoài bắc vao hái giúp chứ năm nay đến bây giờ vẫn chưa có người vào .Thật là buồn phải ko các bạn?a

Tin đã đăng