Giá cà phê tăng, nông dân hết hàng

Giá cà phê tăng lên gần 29.000 đồng/kg nhưng người trồng cà phê không vui vì lúc giá cao thì không còn hàng bán. Đã thế, giá cà phê xuất khẩu tăng nhanh hơn nhiều so với giá mua của người dân.

Theo nhiều người trồng cà phê, lợi nhuận do chênh lệch ngày một lớn giữa giá cà phê xuất khẩu và giá cà phê trong nước đang rơi vào tay các công ty xuất khẩu.

Công nhân Công ty TNHH TM Thái Phúc (Đắk Lắk) chuẩn bị hàng để xuất kho ngày 28-6
Công nhân Công ty TNHH TM Thái Phúc (Đắk Lắk) chuẩn bị hàng để xuất kho ngày 28-6

Thế giới tăng nhanh, trong nước đủng đỉnh

Ngày 29-6 giá cà phê giao dịch tại thị trường London (Anh) lên mức 1.710 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 18 tháng qua tại thị trường London. Giá cà phê VN xuất khẩu tại TP.HCM ở mức 1.610 USD/tấn, giá cà phê nhân xô tại Đắk Lắk 28.600 đồng/kg (1.505 USD/tấn).

Thế nhưng, nhìn về biên độ tăng giữa giá người dân bán với giá các công ty xuất khẩu cho thấy không tăng cùng nhịp như thời điểm giá xuất khẩu xuống thấp.

Nếu tính từ thời điểm cuối tháng 2 vừa qua, khi giá cà phê xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, giá London là 1.216 USD/tấn, giá xuất khẩu tại TP.HCM còn 1.146 USD/tấn và giá cà phê nhân xô còn 22.500 đồng/kg thì sau bốn tháng, giá cà phê nhân xô trong nước tăng 321 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu tại TP.HCM tăng 464 USD/tấn và giá trên thị trường London tăng 494 USD/tấn.

“Điều này cũng đồng nghĩa việc giá cà phê mà người dân bán trong nước tăng chậm hơn nhiều so với giá xuất khẩu của các doanh nghiệp, và phần chênh lệch đó các doanh nghiệp hưởng” – ông Nguyễn Thịnh, một người nghiên cứu về thị trường cà phê và là người sáng lập trang web giacaphe.com, cho biết.

Mức giá trên là do các công ty đưa ra, còn người dân không bán được cà phê cho các doanh nghiệp xuất khẩu mà bán cho các đại lý tại địa phương với giá thấp hơn nhiều.

Buồn vì… giá tăng cao

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa), giá xuất khẩu tăng mạnh thời gian qua do tác động của chính sách mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê của Chính phủ. Vicofa chưa đưa ra số liệu thống kê chương trình mua tạm trữ là bao nhiêu tấn đến thời điểm này, nhưng theo ông Lương Văn Tự – chủ tịch Vicofa, tác động của chính sách này không chỉ tính bằng lượng cà phê mua vào bao nhiêu mà ở những ảnh hưởng của chương trình này lên nguồn cung của thế giới làm giá xuất khẩu và giá trong nước tăng theo.

Tuy nhiên, người nông dân trực tiếp làm ra hạt cà phê không vui vì hiện tại cà phê trong dân không còn và cà phê ký gửi của nông dân tại các đại lý cũng hết. Chỉ một số nhỏ nông dân có diện tích cà phê lớn, sản lượng hàng chục tấn mới đủ vốn tích trữ cà phê.

Ông Võ Văn Hùng, một người trồng cà phê ở Phú Xuân (Krông Năng, Đắk Lắk), tâm tư: “Làm cà phê cả chục năm nhưng chưa bao giờ chủ động được thời điểm bán cà phê vì thiếu vốn đành chấp nhận bán khi giá thấp”. Mấy năm trước đây với hơn 5 sào cà phê hai vợ chồng anh Hùng cùng một đứa con sống khỏe và có đồng ra đồng vào. Thế nhưng nay cà phê liên tục mất mùa, rớt giá mà giá cả các mặt hàng khác cứ leo thang không ngừng nên anh phải đi làm thuê tận Gia Lai mỗi dịp nông nhàn.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Liên (huyện Krông Búk, Đắk Lắk) cho biết vừa bán hết 5 sào cà phê mùa này với giá 22,5-24 triệu đồng/tấn. Với mức giá trên xem như huề vốn.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Đắk Lắk thừa nhận mặc dù giá cà phê tăng cao nhưng người trồng cà phê không được hưởng lợi bao nhiêu do lượng cà phê trong dân hầu như đã cạn kiệt, lượng cà phê còn lại của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp xuất khẩu và các đại lý nắm giữ.

Theo tính toán, nếu bán cà phê nhân ở thời điểm này so với hai tháng trước người nông dân có thêm 7-8 triệu đồng/tấn. Nhưng thực tế phần lớn nông dân không đủ tiền để trữ cà phê đến lúc này. Để có tiền chăm sóc vườn cà phê, nhiều nông dân đã bắt đầu “bán non” cà phê vụ tới cho các đại lý với giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều, hoặc bằng giá thị trường nhưng cuối năm phải trả thêm 1-2 tạ/tấn (và thường được chốt không quá 1 tấn) cho thương lái.

>> Xem giá cà phê mới nhất

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng