Những ngày cuối năm, người dân huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông tất bật kéo lên rẫy thu hoạch khi cà phê đã chín đỏ cành. Ngổn ngang công việc, ngổn ngang những tính toán, lo toan đến phút cuối.
Cũng như các địa phương khác, khoảng thời gian cao điểm thu hoạch cà phê ở Đắk Nông diễn ra từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12 dương lịch. Những ngày này, trên khắp các triền đồi, người người gọi nhau lên rẫy hái cà phê. Đây cũng là khoảng thời gian các chủ vườn cần huy động nhân công, nhiều lao động thời vụ có được thu nhập tốt từ công việc thu hái cà phê.
Chất lượng và giá trị của cà phê đạt mức cao nhất khi thu hái lúc chín đỏ đồng đều.
Hơn một tháng qua, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tĩnh (37 tuổi) ở xã Đắk Som (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) tất bật trên rẫy từ tờ mờ sáng đến tối mịt để thu hoạch cà phê. Năm nay cà phê được giá nhưng vườn của gia đình anh Tĩnh lại mất mùa. Sản lượng cà phê chỉ bằng một nửa so với năm ngoái.
Năm ngoái, gia đình anh Tĩnh thu hoạch được hơn 4,5 tấn cà phê nhưng năm nay chỉ được 2 tấn. Sản lượng cà phê thấp nên vợ chồng anh quyết định không thuê nhân công ngoài như mọi năm mà tự hái cà phê, cố để “giữ lại chút lời sau mùa vụ không thuận lợi”.
“Mọi năm gia đình tôi thuê 3-4 nhân công để thu hoạch cà phê, năm nay vườn nhà tôi mất mùa, giá phân bón lại cao ngất ngưởng, chi phí đã đội lên rồi nên vợ chồng tôi phải tự thu hoạch để tiết kiệm chút công sức”, vợ anh Tĩnh chia sẻ.
Đôi bàn tay thoăn thoát tuốt từng chùm cà phê chín căng.
Để thu hoạch trái cà phê mà hạn chế rơi rụng, nông dân sử dụng hai tấm bạt trải dưới gốc ghép lại với nhau.
Những tấm bạt cứ thế được kéo từ gốc cây này sang gốc cây khác.
Khi cà phê trong bạt nhiều và nặng, người nông dân gom lại, nhặt sạch những cành gãy, lá rụng rồi dồn vào bao.
“Một năm lao động vất vả thấp thỏm chờ đến vụ thu hoạch. Nếu thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh thì tiền vốn đầu tư cả trăm triệu đồng cho vườn cà phê cũng “đổ sông đổ biển”, chưa kể đến việc giá cà phê thất thường. Không ít người đã bỏ trồng cà phê chuyển sang làm nghề khác”, anh Tĩnh chia sẻ.
Hiện nay, giá cà phê khoảng 40.000 đồng/kg. So với năm trước, mức giá hiện vẫn đang cao. Thế nhưng phân bón, chi phí và nhân công cũng đội lên tới 30%.
Cà phê sau khi cho hết vào các bao tải sẽ được vận chuyển đến nơi tập kết để phơi, sấy. Tùy vào điều kiện thời tiết , thời gian phơi có thể từ 1-2 tuần.
Toàn vùng Tây Nguyên hiện có hơn 603.000 hecta cà phê, trong đó Đắk Nông là tỉnh đứng thứ hai cả vùng cũng như cả nước về diện tích, sản lượng cà phê. Toàn tỉnh có hơn 135.000ha cà phê với tổng sản lượng hơn 332.000 tấn.
Cà phê Tây Nguyên hiện được xuất khẩu đi hơn 80 quốc gia trên thế giới, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động.