Tây Nguyên: Dọn sạch cà phê để… bán trang trại

Nông dân mà mang rẫy đi bán chẳng khác gì cầm cái rựa chặt bỏ chân mình. Nhưng theo ông Bảy Dự, chủ trang trại lừng danh khắp Lâm Hà (Lâm Đồng) từ nhiều năm nay, giữ lại trang trại cà phê thì lấy gì mà sống. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi giá cà phê rớt xuống thảm hại, chỉ còn 4.000 đồng/kg nhân.

Ông Phan Ngọc Hùng ở thôn Lạc Sơn, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà – một vùng cà phê nổi tiếng nhất Lâm Đồng – thì quả quyết, cứ 10 gia đình thì ít nhất có 9 gia đình cầm chắc sẽ mắc nợ, không nợ ngân hàng thì nợ thương lái, không thương lái thì nợ đại lý phân bón hay các tiệm bán gạo, mắm, muối… Những đứa con ông Hùng học ở Đà Lạt đang trọ nhà thày giáo nay vì thiếu tiền phải đi thuê phòng ở ngoài cho đỡ tốn kém. Nhưng ông tâm sự: “Bán tới cái rẫy cuối cùng cho con ăn học tôi cũng bán!”.

Thế là không những ông Hùng mà nhiều gia đình ở Lâm Hà cứ chẻ dần trang trại ra bán. Bán lẻ người ta ngại mua, nhiều nhà làm liều: bán sỉ.

Thu hoạch theo kiểu… dọn sạch

Với người dân Lâm Đồng lúc này, càng bám cà phê càng dở sống dở chết. Thế là nhà bà Cao Văn Sanh (thôn Ngọc Sơn) nghĩ ra giải pháp: “chặt quách cho đỡ dắt dây cái lỗ”. Chặt 2 ha như nhà bà Sanh đã đành, nhà ông Bảy Dự còn “dọn” luôn một lúc 10 ha (bằng một nửa diện tích trang trại cà phê nhà ông).

Nông dân vùng này bảo, lần đầu tiên trong lịch sử trồng cà phê ở Tây Nguyên mới có kiểu thu hoạch “nhói tim” như thế: chặt luôn cả ngọn, cả cành xuống để hái (hình ảnh chỉ thấy ở những kẻ đi hái trộm cà phê). Khi được hỏi sao không giữ cà phê lại để bán cho được giá, ông Dự bộc bạch: “Có ai mua đâu mà bán. Tình hình cà phê như thế này chỉ có ai điên mới đi mua trang trại cà phê!”. Ông cho biết, sang năm sẽ cho “thu hoạch” nốt 10 ha cà phê còn lại nếu tình hình không sáng sủa hơn.

Cầm sổ đỏ cũng vì cà phê

Ông Dự cho hay, mỗi năm gia đình ông đầu tư vào trang trại khoảng 100 triệu đồng, nhưng nay đã nợ tới 140 triệu đồng. Vì thế, nông dân như ông không chỉ thua lỗ mà phá sản như chơi. Ông tiết lộ: “Trong vùng này, chẳng còn mấy nhà giữ được sổ đỏ”. Trên thực tế, tại đây đang diễn ra cảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu không nằm ở ngân hàng thì cũng ở thương lái hay những người cho vay tiền. Ngay cả khi Chính phủ có chủ trương khoanh nợ cho nông dân trông cà phê thì bà con vẫn không an lòng vì cho rằng, đã nợ thì sớm hay muộn cũng phải trả.

Nhiều người đã phải dốc toàn bộ tài sản, kể cả nhà cửa để đầu tư cho cà phê. Gia cảnh chị Nguyễn Thị Cúc ở thôn 6, xã Liêng Sê Rôn (Lâm Hà) thật đáng thương. Bảy năm trước, chị phải bán nhà, bỏ nghề trồng lúa chuyển từ Mộ Đức (Quảng Ngãi) dắt díu cả nhà 8 người lên đây mua trang trại cà phê với hi vọng đổi đời. Nay cà phê “thất sủng”, nhà cửa vốn tạm bợ càng thêm điêu tàn, con cái phải bỏ học. Còn anh Đỗ Đức Thiện (xã Đăk Rung, huyện Đăk Song, Đăk Lăk) cũng phải để cả ba trang trại với tổng diện tích 24 ha cho cỏ mọc. Để có cả khối tài sản đó, gia đình anh đã phải đổi bằng những chiếc xe khách, hai căn nhà phố, sạp hàng… trị giá hơn tỷ bạc ở Buôn Ma Thuột cách đây gần 6 năm.

Khắp xứ cao nguyên mấy ngày nay chỗ nào cũng nghe rao bán trang trại. Nhưng, nào có ai dám mua.

>> Các công ty kinh doanh cà phê đại bại

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng