Giá cà phê xuất khẩu hiện đạt gần 600 USD/tấn nhưng nhiều nhà xuất khẩu lại méo mặt vì đến hạn mà không giao được hàng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp và hộ nông dân găm cà phê chờ giá lên. Một số công ty phải mua cà phê của nước ngoài.
Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Đoàn Triệu Nhạn, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
– Thưa ông, nguyên nhân nào khiến giá cà phê tăng?
– Giá cà phê chỉ tăng hồi giữa tháng 3 lên trên 550 USD/tấn, sau đó lại xuống. Theo tôi, đó là giá ảo bởi trên thị trường thế giới cung vẫn vượt cầu, lượng cà phê tồn kho còn lớn. Thực chất, đã có những biện pháp can thiệp kỹ thuật nhằm đẩy giá lên.
– Tại sao một số doanh nghiệp xuất khẩu của ta lại phải mua cà phê của nước ngoài?
– Đầu tháng 2, giá cà phê xuống dưới 350 USD/tấn nhưng nông dân vẫn phải bán ra để trang trải chi phí. Khi giá tăng thì hầu hết dân không còn hàng nữa. Những anh có cà phê trong kho lại muốn chờ giá cao hơn hoặc bán ra với giá quá cao. Nhà xuất khẩu phải giao hàng theo đúng kỳ hạn nên bằng giá nào cũng phải mua, trong khi đó, nước ngoài bán cà phê với giá thấp hơn nên một số doanh nghiệp Việt Nam đã mua vào.
– Nguyên nhân nào khiến các nhà xuất khẩu Việt Nam ít dự trữ cà phê trong kho?
– Vấn đề chính là thiếu vốn. Rất ít doanh nghiệp dám vay vốn ngân hàng, trả lãi để giữ cà phê ở thời điểm khủng hoảng này. Nếu như chúng ta có một Quỹ Quốc gia cà phê thì tình trạng trên có thể sẽ khác.
– Cuộc gặp sắp tới giữa Việt Nam và Indonesia sẽ đề cập đến những vấn đề gì nhằm đưa giá cà phê lên?
– Cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra ngày 4/6, trong đó có thể bàn tới một số giải pháp như cắt giảm sản lượng, hợp tác tiếp thị quảng bá sản phẩm, cải tiến chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ nội địa… Chúng tôi cũng hy vọng hai nước sẽ trao đổi, giúp đỡ nhau những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, giống cà phê…
– Thực tế là Việt Nam cũng đang triển khai các biện pháp trên. Vậy đã đạt được kết quả gì, thưa ông?
– Thu hẹp diện tích cây cà phê nằm trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Chính phủ. Giá cà phê xuống thấp nên nông dân cũng đang chặt phá nhiều, tuy nhiên chúng tôi không thể thống kê được con số chính xác. Việc thúc đẩy tiêu thụ cà phê trong nước chúng ta phải nhờ đến các doanh nghiệp như cà phê Trung Nguyên, Phúc Ban Mê, Vina Cafe… Cái khó là người Việt Nam quen uống trà nên chúng ta không thể làm như Brazil là đưa cà phê vào trường học, công sở được.
– Theo dự đoán của ông, bao giờ giá cà phê phục hồi?
– Nhanh nhất cũng phải năm sau. Tuy mức giá hiện tại quá thấp, nhưng niên vụ 2002-2003 của Brazil bắt đầu từ tháng 5 này sẽ đạt mức kỷ lục là 42,9 triệu bao. Do vậy, lượng cung vẫn rất lớn.