Hỗ trợ đủ vốn, mua tạm trữ cà phê ngay từ đầu vụ

Về giải pháp mua tạm trữ cà phê niên vụ tới, Nhà nước cần duy trì chính sách mua tạm trữ cà phê thường xuyên, chủ động thậm chí mua tạm trữ ngay lúc giá lên cao.

cham-soc_ca-phe
Người dân Gia Lai đang chăm sóc cà phê

Chiều 29-7, Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp đánh giá Quyết định 481 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê vừa qua, đồng thời bàn các giải pháp kiến nghị thu mua tạm trữ cà phê trong niên vụ tới (2010-2011).

Lượng thu mua tạm trữ chỉ đạt 25%

Tại cuộc họp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã đưa ra số liệu thu mua tạm trữ cà phê trong 3 tháng qua là 49.500 tấn với số vốn giải ngân đạt 1.162 tỷ đồng. Đây là con số đã được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng công nhận chính thức.

Như vậy, với con số trên, các doanh nghiệp mới thực hiện thu mua tạm trữ được 25% trên tổng số 200.000 tấn mà Chính phủ đề ra. Số tiền hỗ trợ lãi suất nhà nước phải chi, ước khoảng 45 tỷ đồng. Ngoài ra, theo báo cáo của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối, khi có chủ trương thu mua tạm trữ, các doanh nghiệp nước ngoài có vốn cũng đã mua được khoảng trên 100.000 tấn.

Lý giải về nguyên nhân trên, ông Đoàn Xuân Hoà – Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối cho biết: “Việc chỉ định, lựa chọn các doanh nghiệp đủ điều kiện thu mua tạm trữ cà phê từ Vicofa và các địa phương không chính xác, dẫn đến có một số doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính để vay vốn ngân hàng…”

Trong số 13 doanh nghiệp được chỉ định mua tạm trữ cà phê, có tới 3 doanh nghiệp không mua được một kg nào, có 4 doanh nghiệp chỉ mua được dưới 1.000 tấn. Hầu hết các doanh nghiệp đều lý giải nguyên nhân chính là việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay.

Ông Đỗ Văn Nam- Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết: “Vinacafe được giao mua 90.000 tấn, nhưng thực tế chúng tôi chỉ mua được trên 12.700 tấn từ nguồn vốn vay mua tạm trữ. Việc tiếp cận nguồn vốn hiện nay rất khó, do chỉ dồn vào một ngân hàng, thủ tục thì khó chịu, rườm rà, mãi đến tận 15-6, chúng tôi mới được giải ngân, nên chỉ còn một tháng để thực hiện”.

Ông Nguyễn Văn An- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hoà cũng cho rằng: “Bất cập lớn nhất là từ thủ tục giải ngân. Hơn nữa, việc tập trung vốn vào cả một ngân hàng là Agribank cũng gây khó khăn do trong một thời gian ngắn không thể đòi hỏi ngân hàng đó giải ngân cả mấy nghìn tỷ đồng được”.

Cần nâng kỳ hạn cho vay

Tôi cho rằng, nếu chúng ta thực hiện và có thông tin mua tạm trữ ngay từ đầu niên vụ tới, chắc chắn giá sẽ lên và có tác động tích cực tới thị trường và theo tôi, nhà nước nên cho tạm trữ thường xuyên.

Ông Lương Văn Tự– Chủ tịch Vicofa

Ông Đỗ Văn Nam nói thẳng: “Thực tế, các doanh nghiệp chúng tôi không mơ màng gì phần hỗ trợ 6% lãi suất, bởi có lấy được cũng rất khó do còn vướng nhiều thủ tục. Chúng tôi chỉ cần có đủ nguồn vốn để thu mua tạm trữ đã tốt rồi. Trong khi đó, về dài hạn theo tôi nhà nước cần duy trì chính sách tạm trữ thường xuyên, chủ động, thậm chí có thể mua tạm trữ ngay cả lúc giá lên cao“.

Còn theo ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Intimex TP. Hồ Chí Minh: “Hiện tại các ngân hàng đang áp dụng kỳ hạn vay vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê quá ngắn, chỉ cho vay từ 1-2 tháng, như vậy doanh nghiệp mua vào lại phải lập tức đẩy hàng ra, điều đó dẫn đến giá cà phê bị tụt vào thời kỳ cao điểm thu hoạch. Theo tôi, ngân hàng cần nâng kỳ hạn cho vay lên khoảng 3-6 tháng là tốt nhất. Vấn đề cần thiết nhất của doanh nghiệp là nguồn vốn, còn về hỗ trợ lãi suất nhà nước nên ưu tiên cho người nông dân”.

Hầu hết các doanh nghiệp khác cũng cho rằng, thời điểm thích hợp nhất để nhà nước tung vốn ra mua tạm trữ cà phê là từ cuối tháng 12 năm trước cho đến tháng 1-2 năm sau. Đây là thời điểm người dân cần bán cà phê nhất để lấy tiền đầu tư cho sản xuất.

Tại buổi họp hôm qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đã nhất trí với đề nghị của các doanh nghiệp về việc nhà nước chỉ cần hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn để mua tạm trữ, chứ không cần hỗ trợ lãi suất. Nếu làm như thế một mặt nhà nước không phải mất tiền, một mặt có thể đẩy sản lượng mua tạm trữ lên nhiều hơn, có thể tới 500.000 tấn.

Về lâu dài, ông Bổng cho biết: “Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ có bản dự thảo về chính sách thu mua tạm trữ cà phê để lấy ý kiến các bộ, ngành. Quan điểm của chúng tôi, cũng nhất trí việc phải có một chính sách lâu dài, đảm bảo đủ vốn cho doanh nghiệp mua tạm trữ ngay từ đầu vụ với kỳ hạn thích hợp hơn, để dễ điều tiết hàng hoá theo diễn biến thị trường”.

>> Thu mua cà phê: Có giúp nông dân bán được giá cao?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. caphesua

    Tôi nhất trí cao về việc nhà nước nên cho mua dự trữ ngay từ đầu tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau. Đây là thời điểm người dân bán cà nhiều nhất để trang trải nợ lần, đầu tư chăm sóc cà phê và đóng góp các loại. Nhà nước chỉ cần cho các doanh nghiệp vay đủ vốn dài hạn từ 6 – 9 tháng để các doanh nghiệp chủ động điều tiết bán cà thích hợp theo giá hợp lý nhất để dảo nợ vay ngân hàng. nếu không đến kỳ hạn phải trả nợ sớm thì chính các doanh nghiệp phải ồ ạt bán ra cùng thời điểm và nước ngoài lại ép giá xuống. Còn về nông dân nhà nước nên cho các hộ nông dân vay hỗ trợ lãi xuất 1 ha cà phê là 20 triệu đồng chẳng hạn. Thời điểm trả cũng gia hạn đến tháng 6 năm sau. Không nên tập trung thu nợ ngay 31/12 hàng năm hoặc tới tháng 3 năm sau. Để người dân điều tiết bán cà trả nợ thích hợp. Nếu được như vậy người sản xuất ra sản phẩm mới chủ động được giá cả không bị nước ngoài ép giá, nhà nước thu được thêm ngoại tệ.

  2. anhoviet

    Nông dân tôi không tin chắc như ông Tự nhưng đồng tình với ông về việc” thực hiện và có thông tin mua tạm trữ ngay từ đầu niên vụ tới”>Thật tình là vừa qua tôi bán giá thấp nên cũng giận mấy quan vì chẳng lo gì cho dân lại hay tranh thành tích.Giờ nghe ông Tự phát biểu lọt tai,mong nhà nước ra tay cho dân làm cà phê nhờ(mà người mua trữ cũng nhờ).Tôi cũng xin giơ 2 tay ủng hộ ý kiến của Caphesua.Quan mà nghĩ và làm như ý bạn thì còn phàn nàn làm chi phải không quí vị?

  3. Laonong

    Chính phủ phải có chủ trương mua tạm trữ cà phê ngay từ đầu vụ, phải có kế hoạch và tầm nhìn xa, trước dân. Không thể chờ đến khi gia cà phê bị ép xuống thấp mới cứu vãn tình thế. Nguời dân Tây nguyên sông chủ yếu dựa vào cây cà phê. Do đó, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến chính sách hỗ trợ lai suất vay ngân hàng của dân, doanh nghiệp để đầu tư, thu mua cà phê, đồng thời bình ổn giá cả cà phê trong nước để người dân an tâm sản xuất và đảm bảo đời sống. Việc thu mua tạm trữ cũng là một phương án tốt để bình ổn giá nhưng phải áp dụng đúng lúc, như những năm qua khi Chính phủ có chủ trương thu mua thì người dân đã bán hết cà phê rồi như vậy không có tác dụng hỗ trợ người dân mà lúc này chỉ có những doanh nghiệp đầu cơ được hưởng lợi mà thôi.

Tin đã đăng