Nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam đến 2015 và định hướng 2020

Ngày 26/8/2008, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định số 2635/QĐ-BNN-CB phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam đến 2015 và định hướng 2020” do Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối chủ trì soạn thảo.

Quyết định nêu rõ phương hướng, giải pháp và tổ chức thực hiện của đề án.

Về phương hướng, nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế so sánh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu và nội địa; phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại hóa đồng bộ các khâu: sản xuất nông nghiệp – chế biến công nghiệp – giao dịch thương mại. Đến năm 2020, toàn bộ sản phẩm cà phê Việt Nam được sản xuất – chế biến hợp chuẩn, hợp quy, giao dịch bình đẳng tại các sàn giao dịch trong nước và nước ngoài với giá bán ngang bằng hoặc cao hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường; giá trị gia tăng của sản phẩm do yếu tố chất lượng mang lại tăng từ 30 – 50% (tính theo giá cố định); hạn chế tối đa những thiệt hại đối với ngành cà phê do sự biến động bất lợi của thị trường thế giới; góp phần ổn định cuộc sống, cải thiện thu nhập của người trồng cà phê, trong đó phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số; nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp và vị thế của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế; đóng góp đáng kể vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đất nước.

Về giải pháp, đề án nêu 6 nhóm giải pháp:

1. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường, điều chỉnh hợp lý cơ cấu sản phẩm hướng đến các thị trường có giá trị gia tăng cao

– Xây dựng chiến lược phát triển thị trường đối với cà phê nước ta đến năm 2015, 2020 và xa hơn. Chú trọng các thị trường có khả năng tiêu thụ lớn, như Trung Quốc, Đông Âu.

– Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo hướng:

+ Tăng tỷ lệ xuất khẩu cà phê nhân sang các thị trường cao cấp, phấn đấu đến 2015 có 50 – 70% sản lượng cà phê Việt Nam tham gia giao dịch tại các sàn giao dịch quốc tế có chất lượng cao.

+ Phát triển mạnh cà phê hoà tan, cà phê rang xay, nâng mức chế biến sâu các sản phẩm cà phê đạt 20% vào năm 2015 và 30% vào năm 2020.

+ Tăng mức tiêu dùng nội địa đạt 10 – 15% tổng sản lượng.

2. Ổn định diện tích trồng cà phê theo quy hoạch; thực hành các quy trình canh tác bền vững

– Triển khai quy hoạch chi tiết và ổn định diện tích trồng cà phê phù hợp với quyết định 150/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó diện tích ổn định từ 450.000-500.000 ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn, trong đó cà phê arabica (chè) chiếm khoảng 10% diện tích ở những vùng có điều kiện sinh thái phù hợp. Tiếp tục phát huy ưu thế của cà phê robusta (vối) ở các tỉnh Tây Nguyên; tiến hành thâm canh cao 200.000 ha cà phê theo quyết định số 3988/QĐ-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với diện tích cà phê không đúng quy hoạch, nơi có dộ dốc cao, vùng đất trũng, xa nguồn nước tưới cần chuyển sang trồng cây khác.

– Triển khai có hiệu quả chương trình giống, nghiên cứu và chuyển giao nhanh vào sản xuất các loại giống mới có năng suất, chất lượng, độ đồng đều cao, đáp ứng đủ nhu cầu giống cho cải tạo, trồng mới. Thực hành các giải pháp kỹ thuật để lai ghép các dòng vô tính cao sản, chất lượng cao, kháng bệnh, chín muộn và đồng đều trong cải tạo các vườn cà phê già cỗi. Nâng cấp và đầu tư mới các trung tâm nhân giống, phấn đấu ở mỗi tỉnh có một trung tâm, mỗi huyện có một trạm giống.

– Tăng cường cây che bóng, áp dụng quy trình thâm canh thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thân thiện với môi trường; từng bước nâng tỷ lệ áp dụng sản xuất bền vững, sản xuất cà phê có chứng chỉ đạt 50% diện tích vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.

– Tổ chức và hướng dẫn nông dân thu hái đúng kỹ thuật; có các biện pháp kinh tế để ngăn chặn tình trạng hái “tuốt cành, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ quả non xanh.

3. Tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm chế biến; xây dựng và khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam trên trường Quốc tế

– Đầu tư, nâng cấp hệ thống sân phơi và máy sấy đối với việc sơ chế bằng phương pháp khô. Khuyến khích nông dân hợp tác, thực hiện việc sơ chế cà phê thóc quy mô lớn và áp dụng phương pháp chế biến ướt, hoặc bán ướt đối với cả cà phê vối, đảm bảo phẩm cấp nguyên liệu cho các quá trình chế biến tiếp theo.

– Từng bước hiện đại hoá các cơ sở tái chế – phân loại cà phê nhân xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư trang bị các máy, thiết bị tiên tiến, áp dụng tự động hoá dây chuyền sản xuất và giám sát chất lượng sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO: 9000, HACCP, ISO: 14000; đảm bảo từ sau năm 2010, hầu hết các cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

– Tăng cường năng lực chế biến sâu, khuyến khích doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư chế biến cà phê hòa tan, cà phê rang xay…đến 2015 đạt sản lượng từ 10.000 – 15.000 tấn/năm, trong đó 50% xuất khẩu.

– Tập trung đầu tư nghiên cứu chế tạo trong nước các dây chuyền sản xuất cà phê công suất nhỏ và vừa, có công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô sản xuất. Chú trọng các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường đảm bảo sản xuất an toàn, bền vững.

– Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, củng cố sự tin cậy đối với khách hàng và là công cụ bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp. Trên cơ sở cải thiện chất lượng sản phẩm, ngành cà phê và từng doanh nghiệp phải tích cực xúc tiến việc xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung và của mỗi doanh nghiệp nói riêng, từng bước khẳng định xuất xứ và uy tín của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.

4. Xây dựng hệ thống tiêu thụ cà phê hiện đại, thích ứng với quá trình giao dịch mua bán trong nước và quốc tế

Hoàn thiện hệ thống thông tin về môi trường kinh doanh, thông tin về hệ thống phân phối, giá cả mặt hàng hiện hành…chủ động áp dụng thương mại điện tử trong giao dịch mua, bán, ký gửi cà phê trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm sàn giao dịch hiện có ở Buôn Mê Thuột và học tập kinh nghiệm các sàn giao dịch lớn trên thế giới, tiến hành xây dựng Đề án phát triển hệ thống thương mại cà phê ở nước ta, bảo đảm tính hiện đại, văn minh thương mại và thích ứng với quá trình mua, bán, ký gửi ở từng vùng trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2015, đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 02 sàn giao dịch cà phê tại Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh, áp dụng các phương thức mua bán hiện đại như giao dịch kỳ hạn…phòng ngừa rủi ro khi có biến động giá trên thị trường; thí điểm đưa cà phê Việt Nam giao dịch tại các sàn giao dịch quốc tế (New York; Luân Đôn).

5. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tạo liên kết, gắn bó lợi ích giữa người trồng, doanh nghiệp chế biến và các cơ sở dịch vụ

– Phát triển hình thức kinh tế hợp tác, hộ trang trại sản xuất lớn. Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân tích tụ đất, hình thành các tổ hợp tác, nhóm nông hộ sản xuất cà phê.

– Thực hiện liên kết “4 nhà”, trong đó các doanh nghiệp cần chủ động liên kết với các hộ nông dân, hỗ trợ sản xuất, phân phối lợi ích hợp lý, để phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch, nhằm ổn định sản lượng và chất lượng nguyên liệu cho chế biến.

– Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp trên cơ sở người dân đóng góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị vườn cà phê để tổ chức sản xuất lớn theo hướng bền vững, bảo vệ tài sản và cùng hưởng lợi thông qua sản xuất, chế biến, dịch vụ và hỗ trợ của Nhà nước (như đầu tư đường, thuỷ lợi, giống, khuyến nông, bảo vệ thực vật…).

6. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành cà phê phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh

Phối hợp với các cơ quan hữu quan, nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tổ chức sản xuất lớn, an toàn, bền vững.

Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để hình thành hệ thống giao dịch, ký, gửi cà phê đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, công khai, minh bạch, tạo điều kiện mang lại nhiều giá trị hơn cho người trồng cà phê. Mở rộng và nâng cấp hệ thống thông tin chuyên ngành để giúp cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến khích xuất khẩu thông qua Hiệp hội ngành hàng. Chuyển từ chính sách can thiệp thị trường, trợ cấp xuất khẩu sang hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của cà phê trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, như: thành lập các trung tâm giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài, tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm.

Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê thành lập Quỹ xúc tiến thương mại, Quỹ bảo hiểm ngành hàng để thực hiện các chương trình quảng cáo kích cầu cà phê trong nước và khắc phục rủi ro trong sản xuất – kinh doanh, đặc biệt trước những biến động tiêu cực của thị trường cà phê thế giới.

Tổng dự toán vốn đầu tư toàn xã hội để thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cà phê Việt Nam đến 2015 là 32.759 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn được phân bổ:

– Từ Ngân sách nhà nước, tập trung chủ yếu cho đầu tư kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, phục vụ sản xuất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng thương mại…); nghiên cứu khoa học, khuyến nông, xúc tiến thương mại: 469 tỷ đồng, chiếm 1,5 %;

– Từ nguồn tài trợ ODA cho đầu tư cải tạo, thâm canh, thực hiện sản xuất an toàn, bền vững: 13.705 tỷ đồng, chiếm 41,8%;

– Nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp và nông dân: 18.585 tỷ đồng, chiếm 56,7%.

Về Tổ chức thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội, Tổng công ty thực hiện đề án.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng