Giá cà phê ngày 15/03/2022: Hai sàn tiếp tục trái chiều

Giới đầu cơ trên khắp các thị trường đã làm gì trước khả năng sẽ thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế để ngăn chặn lạm phát vượt mức…

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T5/2022 phiên ngày 14/03/2022

 Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London trở lại xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 20 USD, lên 2.115 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 9 USD, lên 2.081 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất thấp dưới mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 3,15 cent, xuống 218,80 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 3,05 cent, còn 218,35 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 – 400 đồng, lên dao dộng trong khung  39.900 – 40.500 đồng/kg.

Giá cà phê kỳ hạn tiếp tục trái chiều, trong khi các cuộc tấn công ở ngoại ô Ki-ép diễn ra không ngừng cho dù hai bên vẫn đang đàm phán. Hầu hết các sàn hàng hóa đều sụt giảm không chỉ lo ngại rủi ro từ cuộc chiến Đông Âu mà còn nguy cơ bùng phát covid-19 tại quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới đã khiến đầu cơ mua ròng mạnh tay thanh lý vị thế đang nắm giữ.

Báo cáo tồn kho tại New York đã vượt ngưỡng tâm lý kết hợp với nguồn cung vẫn ổn định từ các nước sản xuất khu vực Mỹ – La tinh là nguyên nhân chính kéo giảm giá cà phê Arabica tại sàn này.

Trái lại, giá cà phê Robusta đã thoát khỏi áp lực từ New York để quay lại đà tăng khi có báo cáo của các nhà sản xuất lớn cho thấy xuất khẩu Robusta vẫn còn trì trệ, do hầu hết nhà nông vẫn còn kháng giá tại thị trường nội địa, buộc các nhà xuất khẩu phải đẩy giá để thu mua và các đầu cơ trên hai sàn cà phê kỳ hạn phải duy trì cấu trúc giá nghịch đảo kéo dài hơn 7 tháng qua.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê (Cecafé) tại Brasil đã báo cáo xuất khẩu cà phê nhân trong tháng 2 đạt 3,15 triệu bao, giảm 14,30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu cà phê Arabica natural giảm 10,15 % và xuất khẩu cà phê Conilon Robusta giảm mạnh tới 58,62% so với cùng kỳ.

Dữ liệu thương mại của chính phủ Indonesia cho thấy xuất khẩu cà phê Robusta của quần đảo này trong tháng 2 chỉ đạt 150.458 bao, giảm tới 54,18% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế xuất khẩu cà phê Robusta của Indonesia trong 5 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 chỉ đạt tổng cộng 1.314.415 bao, giảm 30,67% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Thị trường cà phê thế giới đang hướng về ngày “Siêu thứ Tư” với hai phiên họp chính sách ảnh hưởng lớn tới giá cả hàng hóa toàn cầu, với khả năng sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng Reais của Copom – Brasil và USD của Fed – Mỹ, trong khi lo ngại rủi ro ngày càng tăng cao với cuộc chiến ở Đông Âu và nguy cơ bùng phát dịch bệnh covid-19 biến thể mới ở Trung quốc.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng