Lo ngại lạm phát khiến dòng vốn đầu cơ tìm về lại các sàn hàng hóa nói chung đã hỗ trợ giá cà phê kỳ hạn đảo chiều tăng mạnh mẽ…
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng vọt. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng 60 USD, lên 2.226 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng 45 USD, lên 2.163 USD/tấn, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch tăng lên trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo nới rộng khoảnh cách.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng 6,25 cent, lên 205,90 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 tăng 6,20 cent, lên 208,65 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 900 – 1.000 đồng, lên dao dộng trong khung 41.300 – 41.900 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.963 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi khoảng 180 – 200 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 3 tại London.
Đồng Reais tăng 0,92%, tỷ giá lên ở mức 1 USD = 5,4910 Reais do có sự góp phần của việc Quốc hội Brasil thông qua sửa đổi hiến pháp (PEC) vòng hai, trong khi thị trường bên ngoài điều chỉnh dữ liệu lạm phát đã kéo chứng khoán Mỹ xuống dốc và dòng vốn đầu cơ tìm về lại các sàn hàng hóa nói chung.
Giá cà phê hai sàn bật tăng trở lại không chỉ từ mối lo nguồn cung chậm trễ vì việc vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu chưa thực sự được cải thiện và nguy cơ bùng phát dịch bệnh covid-19 vẫn âm ỉ. Bên cạnh còn là sự điều chỉnh vị thế đầu cơ do đã mạnh tay bán ròng quá mức trước đó.
Liệu giá cà phê kỳ hạn, sau khi bật tăng mạnh mẽ trong ngày báo cáo vị thế đầu cơ hàng tuần, có quay lại xu hướng giảm như hai tuần vừa qua hay lặp lại đà tăng như ở tuần trước đó nữa (?).
Tình hình dịch bệnh ở vùng cà phê Tây nguyên vẫn còn nghiêm trọng. Điều này đã góp phần làm cho lực lượng nhân công thời vụ ở các nơi khác chưa thể đến tham gia cùng người trồng thu hoạch vụ mùa cà phê mới.
Anh Văn (giacaphe.com)
Hướng nào cũng có lý cả.