Dịch bệnh covid-19 biến chủng mới bùng phát khắp nơi khiến sức tiêu thụ cà phê toàn cầu tạm thời sụt giảm. Trong khi nền kinh tế thế giới hồi phục không như kỳ vọng, lạm phát tăng nhanh, khiến các NHTW lớn phải xem xét các biện pháp kích thích kinh tế sẽ là nguy cơ có thể làm giá cà phê và nhiều hàng hóa nông sản khác suy thoái trở lại trong ngắn hạn…
Tính chung cả tuần 33, thị trường London có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9 tăng tất cả 34 USD, tức tăng 1,86 %, lên 1.862 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng tất cả 46 USD, tức tăng 2,51 %, lên 1.882 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, thị trường New York cũng có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen. Tuy nhiên, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 9 giảm tất cả 4,50 cent, tức giảm 2,46 %, xuống 178,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm tất cả 4,25 cent, tức giảm 2,28 %, còn 181,50 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên tăng 500 – 600 đồng, lên dao động trong khung 37.500 – 38.200 đồng/kg.
Giá cà phê Arabica sụt giảm trước ngày đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 9 khi đã “quá mua” trước đó do lo ngại sản lượng Brasil vụ tới sụt giảm vì đợt sương giá trong tháng Bảy.
Trái lại, giá cà phê Robusta tiếp nối đà hồi phục trước thông tin nhà sản xuất hàng đầu xuất khẩu sụt giảm, vì giá cước vận tải biển đã tăng cao ngất ngưởng khiến các thị trường nhập khẩu chưa muốn mua hàng vào lúc này.
Thị trường cũng dễ dàng nhận thấy dòng vốn đầu cơ đã chuyển mạnh sang thị trường cà phê Arabica do lợi nhuận biên của sàn New York đang có sức hấp dẫn hơn trong ngắn hạn.
Tính đến thứ Hai ngày 16/08, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận đã giảm thêm 1.090 tấn, tức giảm 0,77 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 141.330 tấn (tương đương 2.355.500 bao, bao 60kg).
Anh Văn (giacaphe.com)