Mô hình trồng cà-phê tiết kiệm nước tưới ở Ðác Min

Vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, hàng nghìn ha cà phê ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Ðác Nông nói riêng bị hạn nặng…

Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn nước mặt và khai thác bừa bãi nguồn nước ngầm để tưới cà phê khiến tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô ngày càng trở nên trầm trọng. Trong thời gian qua, mô hình trồng cà phê tiết kiệm nước của người dân ở huyện Ðác Min đã phát huy hiệu quả.

Nguồn nước ngày càng khan hiếm

Trước thực trạng ngày càng khan hiếm nguồn nước tưới cho cây trồng, nhất là cây cà phê trong mùa khô, bài toán đặt ra là phải làm thế nào để quản lý tài nguyên nước ở địa phương cho hiệu quả, bảo đảm sản xuất cho toàn bộ diện tích cây trồng trên địa bàn? Mặc dù trên địa bàn huyện Ðác Min có hệ thống sông, suối đầu nguồn thuộc lưu vực sông Ðồng Nai và sông Sê-rê-pốc; suối Ðác N’reng, Ðác Sor, Ðác Mâm, Ðác Gằn… nhưng hầu hết đều là suối nhỏ, thường cạn nước vào mùa khô.

Ngoài ra, trên địa bàn có 11 hồ đập chứa nước, với tổng trữ lượng khoảng 15 triệu m3 nước và mười hồ chứa nhỏ do các nông, lâm trường quản lý có tổng trữ lượng gần một triệu m3 nước. Tổng năng lực của hồ đập theo thiết kế có thể tưới cho diện tích 1.814 ha cây trồng toàn huyện, nhưng hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 ha. Trong đó có 325 ha đất lúa nước, hoa màu và khoảng 700 ha cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu là cà phê. Do khan hiếm nguồn nước mặt, mùa khô năm nay, người dân ở các xã như Ðác Sắc, Ðác Gằn, Ðức Minh, Ðức Mạnh, Thuận An, Ðác Lao… tự đào giếng hoặc thuê khoan giếng với độ sâu hàng chục mét để lấy nước ngầm tưới cà phê. Việc khai thác lượng nước ngầm tưới cho cây cà phê ngày càng lớn đã dẫn đến hiện tượng chảy tầng, tụt mạch nước ngầm do khai thác không đúng quy trình…

Qua khảo sát của Ðoàn Ðịa chất 704 tại một số huyện thuộc tỉnh Ðác Lắc, Gia Lai và Ðác Nông, mực nước ngầm ở Tây Nguyên ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân do lượng mưa hằng năm ít đi, mùa khô kéo dài, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, lớp phủ bề mặt của đất cũng giảm, cộng với diện tích các loại cây trồng cần nước tưới tăng nhanh, nhất là cây cà phê, cho nên xảy ra tình trạng khai thác nguồn nước ngầm quá mức làm mực nước ngầm tụt giảm từ 3 đến 5m so với trước.

Do đó, trong nhiều phương án được huyện Ðác Min đề ra như trồng rừng và bảo vệ rừng, xây dựng hệ thống hồ chứa, củng cố kênh mương thủy lợi… thì phương án khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm bằng giải pháp canh tác tiết kiệm nước tưới, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ít tác động đến môi trường được các cấp chính quyền và hộ sản xuất cà phê ở huyện Ðác Min đặc biệt quan tâm. Với những ưu điểm của mô hình này, đến nay đã có hàng nghìn hộ trồng cà phê ở Ðác Min tham gia thực hiện và ngày càng được nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh.

Mô hình cần được nhân rộng

Ði đầu trong mô hình này là gia đình ông Trần Văn Hải ở xã Thuận An, huyện Ðác Min đã sử dụng các loại cây muồng đen, cây họ đậu và một số loại cây rừng khác trồng làm vành đai chắn gió và che bóng mát cho vườn cà phê. Với hiệu quả thiết thực từ mô hình trồng cây chắn gió và che bóng mát của gia đình ông Hải, thời gian qua, nhiều người dân kể cả các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã, trong huyện đến tham quan, học tập về áp dụng vào canh tác trong vườn cà phê của gia đình mình đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ở xã Ðác Gằn, địa phương có nhiều diện tích đất đai sỏi đá, cằn cỗi và thường bị hạn hán nặng nhất huyện Ðác Min thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều mô hình trồng cà phê tiết kiệm nước bằng cách trồng xen cây che bóng mát với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp khác trong vườn cà phê, trong đó gia đình ông Trần Thành Tâm là một điển hình.

Nói về mô hình của mình, ông Tâm cho biết: “Gia đình tôi trồng được hai ha cà phê, những năm trước đây khi chưa trồng xen các loại cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày khác bình quân trong mỗi mùa khô tôi phải tưới từ 4 đến 5 đợt, năng suất vườn cây cũng không cao. Từ khi thực hiện mô hình trồng cây chắn gió, che bóng mát, ngoài mục đích hạn chế bức xạ mặt trời, tiết kiệm được một đợt tưới nước, còn giúp gia đình tôi tăng thu nhập từ sản phẩm phụ như: sầu riêng, xoài, cao-su, điều… Năng suất vườn cây tăng đáng kể, trong khi chi phí đầu tư lại giảm”.

Ngoài mô hình trồng cây chắn gió và che bóng mát cho vườn cà phê thì mô hình ủ gốc cho cây cà phê cũng được nhiều hộ gia đình ở huyện Ðác Min lựa chọn, vì dễ làm, hiệu quả cao, có thể tận dụng các loại phế thải thực vật như cỏ, rác, thân lá của ngô, lá chuối, xác vỏ cà phê… để ủ gốc cà phê. Ông K’ Lơm, ở bon Jun Jú, xã Ðức Minh, người đã năm năm nay ứng dụng mô hình này khẳng định: “Biện pháp ủ gốc cho cây cà phê thể hiện rõ ưu điểm giữ ẩm cho đất trong thời gian dài hơn. Vì vậy, giảm được lượng nước tưới và kéo dài thời gian nghỉ giữa hai lần tưới, tiết kiệm đáng kể kinh phí đầu tư chăm sóc cà phê… nhưng năng suất vườn cây không hề giảm”.

Hiện nay, Ðác Min là huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Ðác Nông với gần 20 nghìn ha và trong nhiều năm qua đã có hàng nghìn hộ nông dân triển khai mô hình trồng cà phê tiết kiệm nước, góp phần giảm đáng kể chi phí đầu tư, nhưng năng suất luôn đạt cao, bình quân đạt từ 2,5 đến 3 tấn cà phê nhân/ha, thậm chí nhiều hộ canh tác tốt đúng kỹ thuật đạt năng suất từ 5 đến 6 tấn cà phê nhân/ha.

Theo Hội Nông dân huyện Ðác Min, điều quan trọng khi thực hiện mô hình trồng cà phê tiết kiệm nước tưới không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần cải thiện, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, hạn chế tình trạng khai thác nguồn nước tưới trong mùa khô… Vì vậy, trong điều kiện nguồn nước ngày càng khan hiếm và tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng như hiện nay, mô hình này cần được sớm nhân rộng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng