Giá cà phê kỳ hạn London xuất hiện cấu trúc nghịch đảo ở các kỳ hạn gần bộc lộ mối lo thiếu hụt nguồn cung Robusta từ các nhà sản xuất chính…
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London có xu hướng hỗn hợp. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 6 USD, lên 1.707 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 11 giảm 6 USD, còn 1.699 USD/tấn, các mức tăng/giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York có phiên thứ tư sụt giảm liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 3,35 cent, xuống 153,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm 3,35 cent, còn 155,95 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 0 – 100 đồng, lên dao động trong khung 35.600 – 36.200 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.707 USD/tấn, FOB – HCM, theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Đồng Reais giảm 0,17 %, tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 4,0540 Reais do nghi ngờ tham nhũng của Chính phủ Brasil qua việc mua Covaxin, trong khi báo cáo việc làm Mỹ tăng cao hơn dự đoán đã hỗ trợ USDX lấy lại sức mạnh và nền kinh tế Mỹ hồi phục với tốc độ mạnh hơn dự kiến.
Giá cà phê New York sụt giảm liên tiếp khi nhiều thông tin cho biết đợt lạnh cuối tháng Sáu ở miền nam Brasil không gây hại gì đáng kể cho cây cà phê Arabica vốn đã được di dời về phía bắc nóng ấm hơn. Trong khi thị trường vẫn còn nguyên áp lực bán hàng vụ mới từ nhà sản xuất hàng đầu.
Trái lại, giá cà phê London không chỉ đứng vững trên mức tâm lý mà còn tạo ra cấu trúc giá nghịch đảo ở các kỳ hạn gần, hiếm thấy. Điều này được các nhà phân tích cho rằng do nhu cầu hàng thực trong ngắn và trung hạn gây ra.
Dữ liệu báo cáo của cơ quan thương mại Chính phủ từ Sumatra, đảo sản xuất cà phê chính của Indonesia cho thấy xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng Sáu chỉ đạt 110.147 bao, giảm tới 143.100 bao, tức giảm 56,50% so với cùng kỳ năm trước. Điều này góp phần lũy kế xuất khẩu cà phê Robusta của Indonesia trong 9 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2020/2021 đạt tổng cộng 1.642.082 bao, giảm 706.908 bao, tức giảm hơn 30,09% so với cùng kỳ niên vụ trước. Nguyên nhân được cho là cùng chung với xuất khẩu sụt giảm của các quốc gia sản xuất cà phê ở khu vực Đông Nam Á vì thiếu container rỗng và giá cước vận tải biển tăng quá cao.
Anh Văn (giacaphe.com)