Giá cà phê tiếp nối đà tăng qua tuần thứ ba liên tiếp cho thấy sản lượng vụ mùa của Brasil sắp thu hoạch đã trở thành mối quan tâm hiện hành của các thị trường cà phê kỳ hạn thế giới…
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng liên tiếp phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 21 USD, lên 1.461 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 23 USD, lên 1.483 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 2,55 cent, lên 145,9 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng thêm 2,55 cent, lên 147,8 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 300 – 400 đồng, lên dao động trong khung 33.400 – 33.900 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.511 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch cộng co nhẹ về ở mức 40 – 50 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Đồng Reais giảm 0,22%, tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 5,4610 Reais sau sự thay đổi nhân lực lãnh đạo Ủy ban Điều tra Nghị viện (CPI) trong việc sử dụng ngân quỹ được phân bố để phòng chống đại dịch ở Brasil. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ lập kỷ lục trong một phiên kết thúc nhưng không có định hướng rõ ràng với sự chờ đợi quyết định chính sách tiền tệ của Fed vào ngày mai đã kích thích lợi suất trái phiếu dài hạn Kho bạc Mỹ bật tăng trở lại.
Giá cà phê tiếp nối đà tăng trên cả hai sàn do dòng vốn đầu quay trở lại tăng mua sau khi đã thanh lý, điều chỉnh vị thế vì đã mạnh tay bán ròng kéo dài và nhất là hết hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 5 trước đó, trước mối lo thời tiết khô hạn ở Brasil sẽ làm sụt giảm chất lượng hạt cà phê vụ mới sắp thu hoạch và tiềm ẩn nguy cơ sương giá mùa đông năm nay.
Một số quốc gia châu Á bùng phát dịch bệnh trở lại gây nên mối lo mới, đặc biệt là tại Ấn Độ với hơn 1,3 tỷ dân số khiến thế giới phải hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Trong khi một số nước châu Âu bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội khi số lượng được tiêm chủng tăng cao đã góp phần giảm bớt căng thẳng hiện hành.
Sự tập trung đông đảo người dân qua các lễ hội tại Ấn Độ góp phần lây lan dịch bệnh covid-19 không thể kiểm soát được là bài học quý giá cho Việt Nam trước kỳ lễ kéo dài 30/4 và 1/5 sắp gần kề.
Anh Văn (giacaphe.com)