Tổng hợp thị trường cà phê tuần 9 (01/03/2021 – 06/03/2021)

Lợi suất dài hạn trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh đã thu hút dòng vốn đầu cơ kéo về và đẩy giá trị USD tăng cao khiến các đồng tiền mới nổi rơi vào thế bất lợi, trong khi thị trường còn thêm thất vọng do gói tài trợ mới vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua.

Biểu đồ Robusta London T5/2021 tuần 9 (từ 01/03/2021 – 06/03/2021)

Tính chung cả tuần 9, thị trường London có cả 5 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 92 USD, tức giảm 6,25 %, xuống 1.381 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 90 USD, tức giảm 6,04 %, xuống 1.400 USD/tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Tương tự, thị trường New York có tất cả 5 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 8,65 cent, tức giảm 6,29 %, xuống 128,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 8,45 cent, tức giảm 6,07 %, còn 130,85 cent/lb, các mức giảm cũng rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình. 

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên giảm 1.200 – 1.400 đồng, xuống dao động trong khung 31.700 – 32.400 đồng/kg.

Giá cà phê kỳ hạn sụt giảm liên tiếp khi trái phiếu kho bạc Mỹ gia tăng lãi suất dài hạn lên mức kỷ lục, đã thúc đẩy làn “sóng mua USD” trên khắp các thị trường, khiến tiền tệ các nước mới nổi rơi vào thế bất lợi, dòng vốn đầu cơ tháo chạy khỏi các thị trường phái sinh làm giá vàng, giá cà phê rớt thảm. Góp phần vào đó còn là nổi thất vọng của thị trường nói chung khi gói tài trợ 1,9 ngàn tỷ USD vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua.

Đồng Reais giảm sâu trở lại, góp phần hỗ trợ Brasil bán hàng nông sản xuất khẩu, do họ thu về được nhiều nội tệ hơn, đã thúc đẩy các thị trường cà phê sụt giảm, lấy lại tất cả những gì đã làm được trong tuần trước. Đây cũng là mâu thuẫn tồn tại trên các thị trường nói chung hiện nay như đã nhắc nhở các nhà đầu tư cần phải lưu ý trong ngắn và trung hạn.

Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) ở Colombia đã báo cáo sản lượng trong tháng 2 tăng 10,59% so với cùng kỳ năm trước, lên đạt 1.107.000 bao, góp phần lũy kế sản lượng cà phê trong 5 tháng đầu niên vụ hiện tại 2020/2021 lên tổng cộng 6.533.000 bao, giảm 1,11% so với cùng kỳ niên vụ trước đó. Tuy vậy, FNC – Colombia cũng đã báo cáo xuất khẩu trong tháng 2 đạt 1.275.000 bao, tăng 18,27% so với cùng kỳ năm trước, góp phần lũy kế xuất khẩu cà phê trong 5 tháng đầu niên vụ 2020/2021 đạt tổng cộng 5.989.000 bao, tăng 1,47% so với cùng kỳ niên vụ trước đó.

Tổng cục Thống kê Việt Nam đã ước báo xuất khẩu cà phê trong tháng 2 sẽ khoảng 1.833.333 bao, giảm hơn 41% so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong hai tháng đầu năm dương lịch này đạt tổng cộng 4.516.667 bao, giảm tới 18,50% so với hai tháng đầu năm trước. Tuy nhiên, nguyên nhân xuất khẩu sụt giảm không chỉ do tháng Hai là tháng có ít ngày mà còn do có kỳ nghỉ Tết Cổ truyền kéo dài.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ ​​thị trường cà phê Arabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 23/02, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế mua ròng thêm 82,1%, lên đăng ký mua ròng ở 35.426 lô, tương đương với 10.043.114 bao. Vị thế mua ròng này rất có thể đã tăng mạnh hơn nữa sau giai đoạn thương mại rất tích cực kể từ sau đó.

Báo cáo CFTC mới nhất từ ​​thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã chuyển vị thế bán ròng sang mua ròng ở 11.664 lô, tương đương với 1.944.000 bao. Vị thế bán ròng này rất có thể đã được tăng mạnh thêm sau giai đoạn thương mại tổng thể tích cực hơn kể từ sau đó.

Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 01/03 đã giảm 650 tấn, tức giảm 0,45 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 144.230 tấn (tương đương 2.403.833 bao, bao 60 kg).

Anh Văn (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng