Giá cà phê kỳ hạn vẫn quanh quẩn ở mức thấp, trong khi dịch bệnh covid-19 vẫn còn đe dọa các thị trường tiêu thụ, lại còn thêm giá cước tàu biển leo thang… dường như đã đổ hết lên hạt cà phê khiến nông dân trồng cà phê chán nản hơn bao giờ hết…
Tính chung cả tuần 52, thị trường London có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 3 USD, tức tăng 0,22 %, lên 1.383 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 5 USD, tức tăng 0,36 %, lên 1.393 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, thị trường New York cũng có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 0,7 cent, tức tăng 0,56 %, lên 125,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 0,75 cent, tức tăng 0,59 %, lên 127,85 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên tăng 0 – 100 đồng, lên dao động trong khung 32.700 – 33.100 đồng/kg.
Giá cà phê hai sàn điều chỉnh tăng trước những thông tin co bản trái chiều như dự báo sản lượng Brasil vụ tới giảm mạnh vì khô hạn, trong khi khối lượng xuất khẩu hàng tháng tăng cao lên mức kỷ lục mới. Báo cáo tồn kho được cấp chứng nhận trên cả hai sàn cũng tăng mạnh, thoát khỏi mức thấp kỷ lục 20 năm của cà phê Arabica được báo cáo vào đầu tháng 10 và mức thấp gần 2 năm của cà phê Robusta được báo cáo vào giữa tháng 10.
Nổi bật là Conab Brasil báo cáo điều chỉnh sản lượng vụ mùa 2020 tăng thêm 2,3% lên 63,1 triệu bao, cho dù thị trường nhận định báo cáo của Conab thường thấp hơn so với con số thực tế khoảng 8%.
Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê tháng 12 chỉ đạt 85.000 tấn, giảm tới 54,7% so với năm trước, lũy kế xuất khẩu cả phê cả năm 2020 đạt tổng cộng 1.510.000 tấn, giảm 8,8% so với xuất khẩu cả năm 2019. Đồng thời, Tổng cục Thống kê cũng ước tính giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê cả năm 2020 đạt khoảng 2,7 tỷ USD, giảm 7,2% so với gía trị kim ngạch xuất khẩu của năm 2019.
Theo giới chuyên môn, trong khi nông dân Brasil tỏ ra phấn khởi vì đã thu được lợi nhuận tương đối khi bán cà phê không chỉ nhờ nội tệ đang ở mức có lợi mà còn do chiến lược bán hàng hợp lý của các hợp tác xã sản xuất. Bên cạnh, họ còn được Funcafé hỗ trợ vốn tín dụng để không phải bán cà phê ngay lập tức để trang trải kịp thời các chi phí đầu tư và tiền nhân công thu hoạch vụ mùa. Đây cũng là cơ sở để họ tự tin, mở rộng diện tích cây trồng, nhất là cà phê Conilon Robusta để đáp ứng cho nhà sản xuất rang xay phối trộn và sản xuất cà phê hòa tan do sức tiêu thụ ngày càng tăng, đi kèm theo là họ không dấu diếm ý tưởng soán ngôi vị sản xuất Robusta số 1 của Việt Nam.
Qua đây cũng thấy được khó khăn của nông dân cà phê Việt Nam hiện nay, khi chi phí cho tiền lương công nhân và tiền vật tư phân bón ngày càng cao. Trong khi thực tế là họ phải vay mượn vốn ngoài xã hội với mức lãi suất cao, do họ không dễ dàng tiếp cận những nguồn vốn tín dụng vì sản xuất nông nghiệp hầu như thu lãi rất thấp, thậm chí thiên tai dịch bệnh còn dẫn đến năng suất thấp, mất mùa, thua lỗ không lường trước được. Tuy sản xuất bền vững trong ngành cà phê đã được phát động nhiều năm qua nhưng kết quả chưa thể khẳng định có sự khả quan phần nào.
Tính đến thứ Hai ngày 21/12, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng thêm 2.690 tấn, tức tăng 2,0 % so với một tuần thương mại trước đó, lên đăng ký ở 136.990 tấn (tương đương 2.283.167 bao, bao 60 kg).
Anh Văn (Giacaphe.com)