Tổng hợp thị trường cà phê tuần 50 (07/12/2020 – 12/12/2020)

Nhà đầu tư trên các thị trường cà phê phái sinh tỏ ra thận trọng trước các dự báo cung – cầu sắp tới khiến giá cà phê tiếp tục biến động khó lường…

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T1/2021 tuần 50 (từ 07/12/2020 – 12/12/2020)

Tính chung cả tuần 50, thị trường London có 3 phiên giảm đầu tuần và 2 phiên tăng cuối tuần. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1 giảm tất cả 2 USD, tức giảm 0,15 %, xuống 1.335 USD/tấn trong khi kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 2 USD, tức tăng 0,15 %, lên 1.357 USD/tấn, các mức tăng/giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Trái lại, thị trường New York có 1 phiên giảm và 4 phiên tăng. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 4,05 cent, tức tăng 3,45 %, lên 121,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng tất cả 4,05 cent, tức tăng 3,39 %, lên 123,4 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên tăng 200 – 300 đồng, lên dao động trong khung 32.000 – 32.500 đồng/kg.

Giá cà phê trên hai sàn hồi phục trở lại nhờ sự hỗ trợ của chỉ số USDX sụt giảm liên tiếp, trong khi đàm phán về gói tài trợ mới của Mỹ vẫn chưa khai thông và khả năng Brexit không thỏa thuận cũng sắp tới gần, trong bối cảnh nhiều quốc gia khối EU và Bắc Mỹ phải tái lập các biện pháp giãn cách xã hội vì covid-19 bùng phát trở lại khiến sức tăng trên các sàn hoàng hóa phái sinh có phần chững lại.

Theo các nhà quan sát, nông dân Việt Nam đã thu hoạch khoảng 25% sản lượng vụ mùa tính đến thời điểm hiện tại, trong khi hàng năm họ đã thu hoạch tới 40% sản lượng và đã giao hàng vụ mới cho nhà xuất khẩu. Nguyên nhân chậm trễ là do mùa mưa năm nay kéo dài vì hiện tượng thời tiết La Nina đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quốc gia sản xuất cà phê trên vành đai Thái Bình Dương, nhất là ở khu vực Trung Mỹ và Việt Nam.

Trong khi đó, Cecafé của Brasil báo cáo xuất khẩu tháng 11 tăng tới 35,91% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao kỷ lục lịch sử của xuất khẩu tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng mạnh là nhờ vụ thu hoạch năm 2020 đạt sản lượng kỷ lục của năm cho sản lượng tăng theo chu kỳ “hai năm một”. Xuất khẩu tăng mạnh có nghĩa là cà phê tồn kho không còn nhiều, trong khi Brasil đối diện với vụ mùa cho sản lượng thấp, lại còn bị khô hạn ngay từ đầu khiến Cecafé dự báo sản lượng vụ tới sẽ sụt giảm ít nhất 20%, điều này mới là mối lo cho các thị trường tiêu dùng.

Tính đến thứ Hai ngày 07/12, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng thêm 1.310 tấn, tức tăng 0,98 % so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký ở 134.330 tấn (tương đương 2.238.833 bao, bao 60 kg).

Anh Văn (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82