Sự lạc quan, phấn khích ban đầu về loại vắc xin covid-19 mới dường như đã dịu lại, trong khi cơn bão số 13 – Vamco chỉ gây mưa nhẹ ở phía bắc vùng cà phê Tây nguyên và thu hoạch vụ mùa Robusta mới bắt đầu được tăng tốc.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm 24 USD, xuống 1.416 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm 26 USD, còn 1.423 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York duy trì đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng thêm 0,55 cent, lên 116,2 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 0,75 cent, lên 119,5 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức “khủng”, hiếm thấy.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 400 – 500 đồng, xuống dao động trong khung 33.700 – 34.200 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.543 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 100 – 120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 3 tại London.
Đồng Reais tăng mạnh 1,91 %, lên đứng ở mức 1 USD = 5,3320 Reais sau khi Ngân hàng Trung ương Brasil (BC) gia tăng giao dịch hoán đổi và dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào thị trường chứng khoán. Trái lại, USDX giảm mạnh khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bày tỏ lo ngại nền kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều rủi ro do dịch bệnh covid-19 vẫn gia tăng và còn quá sớm để nói về hiệu quả của vắc xin mới. Thị trường chứng khoán Mỹ đã dịu trở lại sau tăng trưởng qua nóng ở phiên hôm qua.
Giá cà phê Arabica tại New York tăng thận trọng, nhà đầu tư chờ đợi thông tin về hậu quả của cơn bão Iota đi vào các nước trồng cà phê khu vực Trung Mỹ rõ ràng hơn.
Giá cà phê Robusta sụt giảm ngay khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẵn sàng hiệu chỉnh các chính sách, đưa lãi suất cơ bản về mức 0% và áp dụng lãi suất -0,5% trở lại với các khoản dự trữ, để hỗ trợ nền kinh tế Eurozone hiện đang đối diện với làn song covid-19 thứ hai, kể cả tiến bộ của loại vắc xin mới cũng không làm thay đổi triển vọng của nền kinh tế vào lúc này. Rõ ràng nguy cơ suy thoái lần này là hết sức nghiêm trọng, mặc dù đã vượt qua được sự tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng covid-19 lần thứ nhất.
Tính đến nay, đã có hơn 70 quốc gia đăng ký các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hồi phục nền kinh tế vì đại dịch.
Anh Văn (giacaphe.com)