Tuy có sự hồi phục nhưng giá cà phê kỳ hạn tại London tỏ ra không mạnh mẽ do nhiều quốc gia thành viên của khối EU phải tái lập biện pháp giãn cách xã hội, vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần hai.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng thêm 6 USD, lên 1.358 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1 tăng thêm 8 USD, lên 1.376 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng thêm 2,50 cent, lên 113,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 2,35 cent, lên 115,2 cent/lb, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 – 200 đồng, lên dao động trong khung 31.800 – 32.400 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.486 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 90 – 110 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 1 tại London.
Đồng Reais giảm 0,79 %, xuống ở mức 1 USD = 5,5560 Reais, trong bối cảnh lo ngại về chính sách thuế mới nhằm bù đắp ngân sách chi tiêu của chính phủ Brasil, trong khi USDX hồi phục và chứng khoán công nghệ Mỹ gia tăng trở lại cho dù vẫn còn trở ngại trong việc phê duyệt gói cứu trợ đã tạo những bất ổn mới trên thị trường. Đáng lưu ý là một số quốc gia EU đã tái lập biện pháp giãn cách xã hội vì dịch bệnh covid-19 bùng phát trở lại, chứng khoán châu Âu đóng cửa, đã góp phần thúc đẩy chứng khoán New York tích cực hơn và USDX lấy lại sức mạnh.
Giá cà phê Arabica tiếp tục hồi phục do sự “hốt hoảng” của nhà đầu tư trước đó khi có thông tin các nhà kho của thương nhân không còn chỗ chứa cà phê vì nông dân Brasil đã bán được 60% sản lượng vụ mùa kỷ lục vừa thu hoạch theo chu kỳ “hai năm một”. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới suy đoán là tồn kho mang sang vụ mới của Brasil hầu như đã cạn kiệt.
Trong khi đó, giao dịch cà phê Robusta hiện hành đang duy trì mức chênh lệch cộng khá cao. Điều này không chỉ vì giá cà phê kỳ hạn London quá thấp mà còn do nguồn cung cũng không còn nhiều, trong khi niên vụ cà phê 2020/2021 cũng sắp kết thúc. Theo quan sát tại thị trường của nhà sản xuất Robusta hàng đầu, lượng hàng dự trữ trong nông dân còn không đáng kể, mà chủ yếu nằm trong kho của các công ty kinh doanh có vốn ngoại (FDI).
Dự báo hiện tượng thời tiết La Nina xuất hiện sẽ đem mưa nhiều cho các nước sản xuất cà phê trên vành đai Thái Bình Dương. Nếu điều này diễn ra thực tế sẽ là mối lo cho vụ thu hoạch mới ở Việt Nam, vì chi phí cho đầu vào sẽ tăng cao.
Anh Văn (giacaphe.com)