Tổng hợp thị trường cà phê tuần 20 (11/05/2020 – 16/05/2020)

Đồng Reais Brasil giảm xuống mức thấp kỷ lục mới, góp phần gây bất lợi cho giá cà phê trong khi nhà đầu tư vẫn còn chạy theo vàng, chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.

 

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T7/2020 tuần 20 (từ 11/05/2020 – 16/05/2020)

Tính chung cả tuần 20, thị trường London có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Tuy nhiên, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 8 USD, tức giảm 0,67%, xuống 1.178 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm tất cả 9 USD, tức giảm 0,75 %, còn 1.997 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Trong khi đó, thị trường New York có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 4,8 cent, tức giảm 4,3 %, xuống 106,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm tất cả 4,7 cent, tức giảm 4,17 %, còn 108 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Tuy vậy, giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên tăng 200 – 300 đồng, lên dao động trong khung 30.200 – 30.600 đồng/kg.

Theo các nhà quan sát, giá cà phê kỳ hạn thế giới tiếp tục trái chiều do sức tiêu thụ biến động mạnh trong thời gian dịch bệnh Covid-19 lây lan, mức tiêu thụ tại các hàng quán chậm lại vì các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi tiêu thụ ở  nhà gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu cà phê hòa tan tăng mạnh.

Đồng Reais Brasil sụt giảm xuống mức thấp lịch sử mới, trong khi USDX vững mạnh trong rổ tiền tệ đã làm đồng tiền của nhiều nước mất giá, nhất là của các thị trường mới nổi khiến giá cả hàng hóa nói chung trở nên đắt đỏ, tỷ suất lợi nhuận giảm thấp, phần lớn dòng vốn đầu cơ trên thị trường chuyển sang các kênh trú ẩn an toàn, vàng và chứng khoán tăng vọt…

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng rất kỳ vọng khi hàng núi tiền được tung ra để “chống dịch”, ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế thế giới và cách biện pháp giãn cách xã hội bắt đầu được gỡ bỏ ở nhiều nước sẽ giúp nền kinh tế thế giới hồi phục kể từ đầu quý III năm nay.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê của Peru, quốc gia ở khu vực Nam Mỹ sản xuất chủ yếu cà phê Arabica chế biến ướt, sẽ giảm 100.000 bao, tức giảm 2% so với vụ trước, xuống chỉ đạt 4,45 triệu bao. Báo cáo cũng cho biết với mức tiêu thụ nội địa khoảng 190.000 bao, nên hầu hết cà phê của Peru được bán ra thị trường tiêu dùng thế giới.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ ​​thị trường cà phê Aarabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 05/5, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế mua ròng bớt 43,12% xuống đăng ký mua ròng ở 3.638 lô, tương đương 1.031.357 bao và có khả năng đã giảm thêm sau giai đoạn thương mại tiêu cực hơn kể từ sau đó.

Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã giảm vị thế bán ròng bớt 0,2 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký bán ròng ngắn hạn ở 34.004 lô, tương đương 5.674.000 bao và có khả năng vẫn ổn định sau giai đoạn thương mại chủ yếu đi ngang kể từ sau đó.

Tính đến thứ Hai ngày 11/5, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 1.130 tấn, tức giảm 0,85 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 131.570 tấn (tương đương 2.192.833 bao, bao 60 kg).

Tính đến thứ Năm ngày 14/5, tồn kho cà phê Arabica được sở giao dịch hàng hóa New York cấp chứng nhận đạt 1.790.136 bao, trong đó có 1.632.998 bao, tương ứng 90,7 % số được chứng nhận nằm tại các kho ở châu Âu và 166.138 bao, tương ứng 9,3 % nằm ở Mỹ. Đây là còn số tồn kho được cho là ở mức thấp kỷ lục do sức mua bán hàng thật tại sàn New York hiện không cao.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng