Giá cà phê trở lại trái chiều (30/04/2020)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản USD ở mức 0 – 0,25% với lý do “những khó khăn lớn về con người và kinh tế thế giới do conoravirus gây ra”.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T7/2020 phiên ngày 29/04/2020

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 6 USD, lên 1.186 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 7 USD, lên 1.208 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 2,3 cent/lb, xuống 105,3 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 2 cent/lb, còn 106,6 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 100 – 200 đồng, lên dao động trong khung 29.700 – 30.100 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.308 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 80 – 100 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.

Đồng Reais tăng mạnh thêm 2,82 %, lên ở mức 1 USD = 5,3570 Reais sau khủng hoảng chính trường Brasil đã nguội lạnh, trong sự lạc quan kinh tế toàn cầu sẽ nhanh chóng hồi phục sau khi có nhiều báo cáo con số tử vong vì dịch bệnh Covid-19 đã giảm dần và nhiều nước mở cửa hoạt động bình thường trở lại.

Giá cà phê kỳ hạn diễn biến trái nhiều trở lại. Tuy nhiên khối lượng thương mại trên cả hai sàn vẫn ở mức thấp do đầu cơ còn thận trọng chờ đợi những tác động tích cực hơn nữa của chính sách tiền tệ mới từ các NHTW. Trong khi đó, dòng vốn đầu cơ tiếp tục chảy mạnh vào các tài sản trú ẩn an toàn, giá vàng vẫn vững trên mức 1.700 USD/oz, khiến cho giá hàng hóa nông sản nói chung vẫn thiếu sức đầu cơ.

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu về Kinh tế ứng dụng của Đại học Sao Paulo (CEPEA), tiêu thụ cà phê toàn cầu trong năm 2019 ước tính đạt tới 167,90 triệu bao 60 kg, trong đó chiếm khoảng 70%, tương ứng 116,88 triệu bao được tiêu thụ ở các nước nhập khẩu và 30%, tương ứng 51,02 triệu bao tiêu thụ tại các nước sản xuất cà phê. Thị trường Châu Âu dẫn đầu tiêu thụ toàn cầu với 54,54 triệu bao, chiếm 32% ; xếp thứ hai là Châu Á & Châu Đại Dương, với 37,84 triệu bao, chiếm 23%. Thứ ba là Bắc Mỹ với 30,96 triệu bao (18%); thứ tư, Nam Mỹ, với 27,14 triệu bao (16%); thứ năm, châu Phi, với 11,94 triệu bao (7%). Xếp cuối cùng là khối sản xuất Mexico & Trung Mỹ chiếm 3% khối lượng toàn cầu, với 5,57 triệu bao.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng