Cà phê hiện là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực mang lại giá trị lớn thứ 2 chỉ sau gạo. Song, đã hơn 20 năm kể từ ngày Việt Nam xuất khẩu cà phê ra thị trường thế giới đến nay, cảnh trăm người mua, vạn người bán, bát nháo mất uy tín đối với hình ảnh cà phê Việt Nam vẫn luôn diễn ra.
Diện tích trồng cà phê liên tục bị xé rào dù đã được cảnh báo. Ảnh Nguyễn Thịnh
Bát nháo thị trường xuất khẩu cà phê
Kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cà phê ra thị trường thế giới đến nay, ngành hàng cà phê luôn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Nếu như giai đoạn 1990-1995, sản lượng xuất khẩu cà phê bình quân của nước ta chỉ đạt 123.000 tấn/năm, với kim ngạch 198 triệu USD/năm, thì đến giai đoạn 1996-2000, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã lên mức 432 triệu USD/năm, tăng 2,1 lần so với giai đoạn trước đó.
Chưa dừng lại ở đây, giai đoạn 2006-2009, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục vươn lên khẳng định vị trí là nước xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới. Theo đó, năm 2008, xuất khẩu cà phê đã đạt mức kỷ lục với kim ngạch 2,1 tỷ USD, gấp 23,3 lần so với năm 1990. Năm 2009, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, xuất khẩu cà phê có sụt giảm song vẫn đạt mức 1,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, vì là 1 trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp song đến nay, dù đã qua hàng chục năm phát triển, ngành cà phê Việt Nam vẫn trong tình trạng bán chuyên nghiệp, nhất là khi thị trường gặp khó khăn những yếu kém trong lĩnh vực này đã bắt đầu bộc lộ.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam cho biết, bước sang năm 2010, xuất khẩu cà phê gặp khó khăn hơn về thị trường và giá xuất khẩu. Tính đến hết tháng 4, lượng cà phê xuất khẩu mới đạt 428.000 tấn, kim ngạch 520 triệu USD. Như vậy, mức giá này đã bị giảm 120 USD/tấn so với năm 2009. Bởi vậy, ông Tự dự báo, xuất khẩu cà phê năm nay dự kiến sẽ bị sụt giảm khoảng 300.000 tấn so với năm ngoái.
Cũng theo ông Tự, mặc dù là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng Việt Nam vẫn quá phụ thuộc thị trường nước ngoài, chiếm đến 95% là xuất khẩu, đặc biệt là phụ thuộc vào giá và tình hình giao dịch cà phê trên 2 sàn giao dịch ở London (Anh) và New York (Mỹ).
Ông Tự phân tích, dự báo lượng cung cà phê trên thế giới năm nay sẽ đạt khoảng 123 triệu bao, trong khi lượng cầu được dự báo là 132 triệu bao, như vậy, cung không lớn hơn cầu, nhưng, từ đầu năm 2010 tới nay, giá cà phê liên tiếp sụt giảm gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng. Theo ông Tự, giá cà phê xuất khẩu không hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu mà bị chi phối rất lớn bởi 2 sàn giao dịch cà phê ở London và New York và một số nhà đầu cơ.
Đưa cà phê vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện
Hầu hết cà phê Việt Nam hiện vẫn xuất khẩu dưới dạng xô, lợi nhuận không lớn, chất lượng cũng không đảm bảo. Ông Nam Đỗ Văn Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam chia sẻ, lợi nhuận từ khâu trồng đến xuất khẩu cà phê xô chỉ chiếm 11%, còn lại nằm trong tay các nhà chế biến cà phê hòa tan. Trên thế giới, trung bình mỗi năm tiêu thụ hết khoảng 1 triệu tấn cà phê hòa tan, song Việt Nam mới chỉ chiếm lĩnh được 30-40.000 tấn/năm, con số này là quá khiêm tốn so với vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Song, điều gây nên sự bất lợi trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam chính là khả năng dự báo thị trường và đội ngũ các doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, cà phê Việt Nam hiện đang bị rơi vào tình trạng “trăm người bán, vạn người mua”, cao điểm lên đến 142 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê. “Quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu dẫn đến tình trạng tranh giành khách hàng, hạ giá sản phẩm bằng mọi cách, không quan tâm đến hình ảnh cà phê Việt Nam mà chỉ chạy theo lợi nhuận”, ông Xuân nêu ý kiến.
Bởi vậy, ông Xuân cho rằng, cần đưa cà phê vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện, điều này hoàn toàn không vi phạm cam kết WTO. Một ngành hàng lớn như cà phê mà để tự do kinh doanh, xuất khẩu như hiện nay sẽ gặp nhiều thiệt thòi. Do đó, theo ông Xuân, nên thành lập câu lạc bộ khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu ở Việt Nam để tham gia xuất khẩu cà phê.
Ngoài việc chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu cà phê vốn bát nháo bấy lâu, theo ông Nam, việc thu mua tạm trữ cà phê nên cho vào nguồn vốn hàng năm, để doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng chủ động hơn, đỡ rơi vào tình thế bị động như thời gian qua.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi thu mua tạm trữ cà phê để giữ giá cho nông dân, song đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi trên. “Chính sách khi tới cuộc sống thường có độ trễ nhất định, do đó, nên dưa vào chính sách tạm trữ thường xuyên, hàng năm”, ông Nam nói.
Theo Anh Ninh Thủ Đô
Chuyện cũ rích hà , Nói hoài nói mãi mà chẳng làm được gì.
Nuoc ta lo xuat khau dien (power) nen dan ta dau co dien de san xuat.
Vi vay, trinh do san xuat khong phat trien duoc, phai phu thuoc vao thien nhien la chinh, chu nha nuoc khong mang ich loi gi cho dan
Mấy bố biết thì nói không biết thì đừng nói chứ! Nếu mà chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thì quá vô lí vì số tiền chi cho thu mua cà phê xuất khẩu là cực kì lớn. Nếu ko nói là lớn nhất trong nông sản. Hơn nữa khi chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp, sự bắt tay nhau “làm giá” là điều chắc chắn xảy ra. Vừa rồi nhà nước mua tạm trữ mà có thấy giá cả tăng lên tẹo nào đâu? Cũng phụ thuộc vào mấy con số nhảy múa trên sàn life. Thôi thì thà để vậy còn hơn là để nhà nước nhúng tay vào. Lại khổ cho dân, cực cho doanh nghiệp thêm.