Giá vàng đảo chiều sụt giảm, giá dầu thô tiếp tục giảm sâu, sau bất đồng từ khối OPEC và Nga trong việc hạn chế sản lượng do công nghiệp toàn cầu suy yếu vì dịch bệnh Covid-19 lây lan, đã hỗ trợ dòng vốn đầu cơ chảy về hai sàn cà phê kỳ hạn thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 32 USD, lên 1.279 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 35 USD, lên 1.297 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng tiếp tục hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 5,15 cent/lb, lên 114,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 5 cent/lb, lên 116,15 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 500 – 600 đồng, lên dao động trong khung 31.000 – 31.500 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.359 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 60 – 80 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.
Đồng Reais tăng mạnh 1,69 %, lên ở mức 1 USD = 4,6470 Reais sau hành động mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương Brasil (BC) khi bơm hơn 5,46 tỷ USD ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản trong nước. Trong khi chứng khoán Mỹ hồi phục do có sức mua mạnh khi giảm về vùng giá thấp và kỳ vọng các NHTW nhóm G7+EU sẽ tiếp tục thực hiện các hành động khả thi để ngăn chặn suy thoái kinh tế thế giới do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Giá cà phê Arabica hồi phục còn do báo cáo xuất khẩu tháng 2/2020 từ các nước sản xuất chính sụt giảm (đọc lại tổng hợp thị trường cà phê tuần 10) và giá cà phê Robusta tại thị trường Đông Nam Á vẫn duy trì mức chênh lệch cộng cao mới có hàng giao ngay.
Anh Văn (giacaphe.com)