Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu phát triển diện tích trồng cây ca-cao lên 60.000 ha vào năm 2015 và nâng lên 80.000 ha vào năm 2020. Với mục tiêu này, hiện Việt Nam đang nỗ lực đưa ca-cao trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Tiềm năng cây ca-cao
Theo Ban điều phối phát triển cây ca-cao Việt Nam, các tỉnh vùng Tây Nguyên, miền Ðông và miền Tây Nam Bộ nước ta là những nơi giàu tiềm năng để trồng cây ca-cao, một loại cây công nghiệp cho lợi nhuận cao. Tiềm năng phát triển cây ca cao của Việt Nam được xác định là rất lớn, vì vậy, theo kế hoạch phát triển đến năm 2015 diện tích cây ca-cao của cả nước sẽ là 60 nghìn ha, với sản lượng hạt khô đạt khoảng 52 nghìn tấn và đến năm 2020 sẽ đạt 80 nghìn ha, sản lượng là 108 nghìn tấn.
Tuy nhiên, đến nay cả nước mới có khoảng gần 20 địa phương có diện tích trồng ca -cao và mới có gần 1.300 ha diện tích trồng thuần. Các tỉnh trồng nhiều ca-cao là: Bến Tre: 4.900 ha, Ðắc Lắc: 1.480 ha, Bình Phước: 1.360 ha, Tiền Giang: 1.330 ha…
Với thực tế này, có thể thấy tốc độ tăng diện tích ca-cao trong thời gian qua còn chậm. Phần lớn diện tích cây ca-cao tăng thêm trong thời gian qua chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ đầu tư của các chương trình, dự án ở một số địa phương và các tổ chức nước ngoài. Nguyên nhân dẫn đến diện tích cây ca-cao tăng chậm là do nông dân thiếu thông tin về kỹ thuật chăm sóc, phát triển cây ca-cao và thông tin về thị trường dẫn đến không tin tưởng vào những ưu thế của loại cây này so với các loại cây công nghiệp khác như cà-phê, tiêu… Cùng với đó, việc thu mua và chế biến ca-cao lại chưa được chú trọng. Hầu hết ca-cao sau khi thu hoạch đều phơi khô sau đó xuất thô ra nước ngoài, vì vậy giá thành sản phẩm thấp.
Hiện giá cả và nhu cầu tiêu thụ ca-cao trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng lên, vì vậy đây là thời cơ để ca-cao Việt Nam phát triển và khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Theo tính toán của người nông dân, trồng ca cao hiệu quả kinh tế cao gấp 2,3 lần so với cây cà phê và 1,3 lần so với hồ tiêu. Vốn đầu tư ban đầu cũng như công chăm sóc vườn ca-cao chỉ bằng khoảng 50% so với cây cà phê, lại ít xảy ra sâu bệnh dịch hại. Tuy nhiên, việc phát triển ca-cao sao cho hợp lý rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc quy hoạch, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và sơ chế lên men…
Tại tỉnh Đắc Lắc hiện có trên 1.400 ha ca-cao, phát triển tốt và cho hiệu quả cao, năng suất đạt bình quân 1,5 tấn /ha và nếu thâm canh tốt, đúng kỹ thuật thì năng suất từ 2- 2,5 tấn/ha là rất khả thi. Tỉnh Đắc Lắc đang có kế hoạch đến năm 2010 sẽ đưa diện tích ca-cao của tỉnh lên trên 6.000 ha. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắc Lắc đang thực hiện mô hình hình thành các tổ nhóm, câu lạc bộ nông dân trồng ca-cao. Thông qua các câu lạc bộ này sẽ đào tạo nông dân và đào tạo tập huấn viên, cán bộ khuyến nông giúp giải quyết tất cả những vấn đề vướng mắc về kỹ thuật cho bà con.
Hướng đi dài hơi
Theo Hiệp hội cà phê, ca-cao Việt Nam, hiện nhu cầu chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ ca-cao trên thế giới tăng 4%/năm, nhưng nguồn cung đang giảm mạnh. Các vùng trồng ca-cao nổi tiếng ở châu Phi như: Ghana, Bờ Biển Ngà… chiếm 60% sản lượng ca-cao thế giới, nhưng hiện nay nguồn cung từ các quốc gia này không ổn định. Trong khi đó, các nhà máy chế biến ca-cao ở Đông Nam Á mới chỉ hoạt động khoảng hơn 60% công suất. Vì vậy, đây chính là cơ hội để nâng cao sản lượng, kim ngạch xuất khẩu ca-cao Việt Nam.
Để thúc đẩy cây ca-cao phát triển hơn nữa trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu giống, kỹ thuật cũng như tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ thuật canh tác cây ca-cao và thông tin thị trường kịp thời cho nông dân; tiếp tục lai tạo, chọn lọc giống mới cho năng suất cao; tăng cường công tác quản lý giống và chất lượng sản phẩm; tổ chức thực hiện liên kết đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nông dân. Mở rộng hợp tác quốc tế, khai thác các nguồn lực nhằm tìm nguồn tài chính để hỗ trợ và mở rộng diện tích trồng mới…
Tuy nhiên, trước mắt điều kiện quan trọng để thúc đẩy ngành sản xuất ca-cao phát triển ổn định và bền vững vẫn là những chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Nên chăng Chính phủ cần có chiến lược hỗ trợ cho ngành này bao gồm mục tiêu, tầm nhìn, lộ trình và các kế hoạch hành động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm từng bước giải quyết những khó khăn của ngành thông qua việc xây dựng các chính sách, thể chế và kế hoạch hỗ trợ sản xuất.
Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và cán bộ kỹ thuật có đủ năng lực quản lý. Cùng với đó là thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá nhằm có những thông tin và số liệu cụ thể xây dựng kế hoạch phát triển ngành sản xuất ca-cao.
xin chương trình Y5Cafe cung cấp cho bà con thông tin về kỹ thuật trồng cây ca cao , nếu như nhu cầu tiêu thụ đang có triển vọng ngày càng tăng ,thì trong thời gian tới cây cacao sẽ là niềm hy vọng của bà con nông dân.
Nếu ai có quan tâm đến việc trồng và dự định trồng cây ca cao thì ở trong bài viết của báo Đảng CS VN viết câu “Vốn đầu tư ban đầu cũng như công chăm sóc vườn ca-cao chỉ bằng khoảng 50% so với cây cà phê, lại ít xảy ra sâu bệnh dịch hại” thì nên cần phải xem lại đấy bà con à! Chi phí đầu tư ban đầu của cây cacao cao hơn nhiều so với cây cà phê. Tôi không đưa con số cụ thể nhưng khi trồng cây ca cao thì phải trồng cây che bóng, giống thì cao nhiều so với giống cà phê, tưới nhiều hơn và cây ca cao có rất nhiều lọai bệnh dễ xâm nhập, đặt biệt là bọ rầy và chuột ( chuột rất ưa tấn công cây con vào thời điểm cây 1 năm tuổi)…. Tuy nhiên nếu mà đầu tư, ban đầu có thể chi phí rất cao nhưng so với cây cà phê thì thời gian thu hồi vốn nhanh hơn vì cây cacao khoảng 18 tháng là ra trái bói rồi, bắt đầu cuối năm thứ 2 là cho thu hoạch( cũng phụ thuộc giá thị trường). Bà con cần phải tìm hiểu rỏ kỷ thuật và kinh nghiệm chăm sóc, tránh bị xãy ra những điều không hay, vì mình vốn không nhiều mà đa số mấy ai nông dân được vay lãi suất ưu đãi của ngân hàng chứ!
Em ở Cai Lậy- Tiền Giang, không biết trồng cây ca cao có thích hợp không? Em đang có 2 công vườn đang trồng nhãn, nhưng hiệu quả không cao, nay em muốn chuyển đổi cây trồng. xin các anh, chị chỉ dùm, cám ơn.
Cây Ca Cao nói riêng và các cây công nghiệp khác điều có những rủi ro nhất định, riêng về phát triển cây ca cao thì có những thuận lợi nhất định của nó, nếu trồng xen trong những vườn cây khác thì sẽ không chiếm diện tích, ca cao co thể trồng xen dưới tán cây điều (rất thành công ở Bình Phước và đang triển khai ở 3 huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng) xen dưới tán Dừa ( Bến Tre & Tiền Giang) xen cây ăn trái (Đồng Nai ,Bến Tre…) trồng thuần trên những vườn Cà Phê già cõi kém năng suất ( Công ty Cà Phê Buôn Hồ, Cty Cà Phê tháng 10, Cty cà phê Krông Ana Buôn Mê Thuột, Cty cà phê Đức Lập Dak Nông) vì khi cà phê già cõi rồi khi cưa bỏ trồng lại cà phê thì cây không thể phát triển được. Tùy theo thổ nhưỡng của mỗi nơi mà chúng ta chọn mật độ trồng cho phù hợp, trồng xen dưới tán điều & cây ăn trái thường thì mật độ 3.5×3.5, 3.5×4, 4×4 ( từ 600-800 cây/ha). Khi trồng Ca cao điều kiện bắt buộc là có nước tưới, lượng nước khoản 1/2-1/3 lượng nước ca phê, trong giai đoạn kiến thiết phải có bóng che, độ râm của bóng che từ 50-75%. Hiện nay giá cây giống ca cao ghép từ 6.500-7.500 VNĐ/cây các giống phù hợp cho khu vực miền đông nam bộ và nam tây nguyen là TD2,TD3,TD5,TD6,TD7,TD8,TD9,TD10,TD14. Một số thông tin chia sẻ cùng bà con, chúc bà con thành công, bà con cần thêm thông tin về ca cao xin gởi câu hỏi về truyen.bpcocoa@gmail.com chúng tôi sẽ trả lời chi tiết mọi vấn đề liên quan đến ca cao tại Việt Nam.