Bàn các giải pháp phát triển bền vững cây cà phê

Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo kế hoạch tháng 8 năm nay, Chính phủ sẽ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển càphê Việt Nam giai đoạn 2010-2015 và định hướng năm 2020.


Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ càphê niên vụ 2009-2010 và bàn giải pháp phát triển càphê bền vững trong thời gian tới, ông Bổng nhấn mạnh, trên cơ sở quy hoạch, các địa phương sẽ phải rà soát và điều chỉnh chi tiết phát triển diện tích trồng càphê của từng tỉnh, chuyển đổi những diện tích càphê kém hiệu quả sang trồng cây khác.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích càphê chè thay thế cho càphê vối ở những nơi có điều kiện; khuyến khích trồng càphê giống mới, chất lượng tốt; tăng cường đầu tư trong khâu thu hoạch, chế biến.

Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong khoảng 30 năm gần đây, giá càphê tăng giảm thường liên quan đến diện tích trồng càphê.

Từ chỗ sản lượng và giá trị càphê xuất khẩu không đáng kể trước năm 1975, sau 30 năm phát triển, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới và đứng thứ nhất về xuất khẩu càphê vối.

Càphê đã trở thành một trong 5 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với sản lượng xuất khẩu trên 1 triệu tấn/năm và đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD/năm và đứng thứ hai sau mặt hàng gạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công to lớn, ngành càphê Việt Nam cũng có nhiều vấn đề bất cập, tồn tại cần sớm được khắc phục để đảm bảo cho phát triển bền vững, ông Thông nói.

Giai đoạn 1999 đến 2004, giá càphê xuống thấp nhất trong lịch sử, sau đó giá đã được cải thiện và năm 2007-2008 Việt Nam đã thu được kết quả tốt nhất trong vòng 20 năm trở lại đây với lượng xuất khẩu năm 2008 là hơn 1 triệu tấn, đạt giá trị trên 2,1ỷ USD và đơn giá bình quân là 1.993 USD/tấn.

Tuy vậy, trong hai năm 2009 và 2010, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới, ngành càphê Việt Nam lại đi vào thời kỳ khó khăn cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 465.000 tấn và đạt kim ngạch 651 triệu USD, giảm trên 16% về lượng và gần 23 % về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.390 USD/tấn, giảm trên 100 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Thông, nguyên nhân của sự giảm sút về khối lượng và giá trị xuất khẩu trong năm 2009 và niên vụ 2009/2010 là do mưa ảnh hưởng đến chất lượng càphê; hệ thống chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chưa tốt dẫn đến tình trạng bị ép giá, tranh mua, tranh bán ngay trên “sân nhà.”

Theo đánh giá của Hiệp hội càphê-ca cao Việt Nam, sản lượng niên vụ càphê 2009-2010 giảm từ 20-30% nhưng chất lượng càphê tốt hơn vụ trước. Tuy nhiên, do giá càphê thế giới liên tục giảm, giá càphê trong nước cũng giảm theo, có lúc xuống còn 22 triệu đồng/tấn, mất 50% so với giá đỉnh cao của năm 2008.

Trước tình hình trên, Hiệp hội đã kiến nghị với Chính phủ có biện pháp hỗ trợ thị trường. Ngay khi Thủ tướng đồng ý ủng hộ chương trình mua trữ 200.000 tấn càphê, giá trong nước đã nhích lên 24 triệu đồng/tấn. Đồng thời, ngành càphê cũng được sự ủng hộ của các bộ, ngành như cho doanh nghiệp vay với lãi suất hỗ trợ để mua trữ càphê.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp cho biết, diện tích càphê của Việt Nam ước khoảng 521.000ha, trong đó 93% diện tích trồng càphê vối. Tuy nhiên, 95% diện tích càphê trên là do nông hộ quản lý, sản xuất quy mô nhỏ nên việc thu hoạch, chế biến và bảo quản càphê còn kém, dẫn đến chất lượng không ổn định.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng