Nhiều doanh nghiệp nông sản giao dịch trên sàn quốc tế

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản trong nước tham gia giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế nhằm tránh rủi ro cho hàng của mình trước các biến động của thị trường thế giới.

Nhân viên Techcombank đang nhập lệnh giao dịch cho các doanh nghiệp cà phê tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
Nhân viên Techcombank đang nhập lệnh giao dịch cho các doanh nghiệp cà phê tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột

Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), nhà môi giới cho các doanh nghiệp tham gia giao dịch trên sàn quốc tế, hiện có nhiều doanh nghiệp đăng ký mua bán nông sản (cà phê, cao su, đậu tương…) trên các sàn giao dịch hàng hóa nổi tiếng thế giới như Nybot của Mỹ, Liffe của Anh, Tocom của Nhật, Sicom của Singapore…

“Mạnh nhất là các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước. Họ tham gia giao dịch nhằm bảo hiểm những rủi ro cho cà phê xuất khẩu của mình”, ông Thắng nói và cho biết, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới nên phần lớn các doanh nghiệp cà phê tham gia sàn giao dịch cà phê London, gọi tắt là Liffe.

Ngoài ra, gần đây lượng cà phê arabica của Việt Nam cũng nhiều lên nên cũng có một số doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch hàng hóa Nybot của Mỹ, vốn có thế mạnh trong giao dịch cà phê arabica. Tuy không nói rõ số lượng doanh nghiệp tham gia giao dịch cà phê qua hai sàn nổi tiếng nói trên nhưng ông Thắng cho biết đã có khoảng vài trăm doanh nghiệp đăng ký, số thực sự giao dịch hàng đêm khoảng 100 doanh nghiệp.

“Ngoài những doanh nghiệp mở tài khoản, ký quỹ ở Techcombank để giao dịch mua bán thực sự thì số còn lại mở tài khoản chủ yếu để hàng đêm lên mạng xem thông tin thị trường, giá cả, từ đó quyết định việc mua bán cà phê thật”, ông Thắng cho hay.

Techcombank là ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cho phép làm môi giới giao dịch cà phê với các sàn giao dịch quốc tế vào cuối năm 2004. Sau khi thử nghiệm một thời gian, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và công ty ATB, một công ty con của Ngân hàng Vietcombank tham gia làm môi giới giao dịch.

Ngoài cà phê, các nhà môi giới còn mở rộng hoạt động sang sản phẩm cao su, dành cho các nhà xuất khẩu cao su, đậu tương dành cho nhà nhập khẩu đậu tương làm thức ăn gia súc và thậm chí kim loại màu.

Rút kinh nghiệm trong giao dịch cà phê có quá nhiều doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh cà phê vẫn tham gia, hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh ngành hàng nông sản mà họ đăng ký giao dịch mới được tham gia mua bán trên sàn quốc tế.

Do Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nên ba năm trở lại đây, nhiều sàn giao dịch hàng hóa quốc tế đã vào tổ chức nhiều cuộc hội thảo,giới thiệu, nhằm thu hút các doanh nghiệp nông sản như sàn giao dịch Nybot của Mỹ, Sicom của Singapore hay sàn giao dịch cao su của Thái Lan.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng