Đổi rừng lấy… cao su?

Bài học phát triển nóng cà phê, hồ tiêu, điều, mía đường, quế, dứa, sắn… chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt của những năm trước đây, đến nay vẫn còn để lại hậu quả nhiều địa phương chưa khắc phục xong. Liệu cây cao su có lặp lại “vết xe đổ” của các loại “cây vàng” trước đó?

Liệu cây cao su có lặp lại “vết xe đổ” của các loại “cây vàng” trước đó?

Đổi đời nhờ cao su

Trong rất nhiều loại cây trồng hiện nay trên địa bàn các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, cao su đang được coi là “cây vàng” đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất kinh doanh. Rất nhiều gia đình giàu lên nhờ cây cao su, hàng trăm doanh nghiệp ăn nên làm ra cũng nhờ loại cây cho “vàng trắng” này.

Bình quân mỗi ha cao su đưa vào khai thác cho năng suất 1,6 – 1,8 tấn mủ/ha, với giá bán 30-32 triệu đồng/tấn, thì mỗi ha người sản xuất thu lãi từ 40-45 triệu đồng. Chính vì vậy, phong trào phát triển nhân rộng diện tích cao su được các địa phương khuyến khích hỗ trợ, như là loại cây chủ lực trong xoá đói giảm nghèo hiện nay.

Tỉnh nào cũng có đề án qui hoạch phát triển cây cao su với diện tích lên đến hàng chục ngàn ha như Quảng Bình, Quảng trị đề ra mục tiêu đến năm 2010 có diện tích cao su 15.000 ha, Thừa Thiên – Huế 12.000 ha, Bình Thuận 20.000 ha, Gia Lai 30.000 ha, Đắk Lắk 25.000 ha, Kon Tum 10.000 ha… Thậm chí có địa phương chưa bao giờ trồng cây cao su như Bình Định cũng đưa vào trồng thử nghiệm 300 ha ở huyện Vân Canh, làm cơ sở để nhân rộng diện tích trong những năm tới…

Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, diện tích cao su đã vượt qua con số kế hoạch đặt ra, như Bình Thuận diện tích cao su đã đạt 22.000 ha, Thừa Thiên-Huế đạt gần 13.000 ha, Kon Tum trên 12.000 ha… Đây mới chỉ là con số thống kê diện tích cao su tập trung, còn diện tích cao su tiểu điền mà người dân tự phát nhân rộng có lẽ còn lớn hơn nhiều.

Đặc biệt vừa qua, khi Chính phủ cho phép và giao chỉ tiêu cụ thể, nhiều địa phương đã chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su với diện tích rất lớn như Gia Lai được giao trồng mới 50.000 ha, Đắk Lắk 30.000 ha… nhằm góp phần vào mục tiêu chung của cả nước đến năm 2010 đạt 1 triệu ha cao su, trong đó đưa vào khai thác 650.000 – 700.000 ha, sản lượng từ 700.000 – 800.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD.

Sự đồng thuận về chủ trương từ trung ương đến địa phương trong phát triển cây cao su đang thực sự làm cho các địa phương miền Trung – Tây Nguyên như đang nóng lên với cây cao su. Người dân tích cực mở rộng diện tích cao su tiểu điền, chuyển đổi các vườn điều, cà phê, mía kém hiệu quả sang trồng cao su. Các doanh nghiệp tích cực khảo sát nguồn quỹ đất ở các địa phương để lập dự án phát triển cao su, mua đất, thuê đất trồng cao su…

Có thể nói, cây cao su đang thực sự làm nên cuộc đổi đời cho nhiều hộ gia đình ở miền Trung-Tây Nguyên, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đơn cử như ở huyện Nam Đông, một huyện nghèo nhất của tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhưng giờ đây đang khá giả lên từng ngày nhờ cây cao su, toàn huyện có hơn 2.300 hộ có vườn cao su với tổng diện tích lên đến 3.200 ha, thu nhập đạt trên 40-50 triệu đồng/năm/hộ.

Hay như hai huyện Tánh Linh và Đức Linh của tỉnh Bình Thuận, diện tích cao su đã đạt gần 20.000 ha, hàng ngàn hộ nông dân đã có thu nhập bình quân 40-50 triệu đồng/năm từ các vườn cao su, điều mà chưa một loại cây trồng nào mang lại được cho họ từ xưa đến nay.

Và sinh động nhất là hàng ngàn hộ gia đình bà con dân tộc Tây Nguyên đã trở thành công nhân cao su trong các công ty cao su của nhà nước, với mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng… Hiệu quả kinh tế trước mắt mà cây cao su mang lại cho bà con nông dân trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và cho thu nhập cao là điều không phải bàn cãi.

Phá rừng trồng cao su

Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của cây cao su hiện nay ở miền Trung-Tây Nguyên cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc. Đó là tình trạng thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm đang xảy ra trên nhiều địa phương. Thực trạng phá rừng để trồng cao su đã xảy ra ở Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tỉnh, Nghệ An… Hàng ngàn ha rừng đã bị triệt phá để phục vụ cho mục tiêu phát triển cao su. Nhiều người gọi đây là hội chứng “đổi rừng lấy cao su” đang làm cho nhiều địa phương không kiểm soát được việc bảo vệ rừng và phát triển cao su hợp lý.

Nhiều tỉnh như Gia Lai đã giao gần 11.000 ha cho các doanh nghiệp phá hủy để trồng cao su chỉ trong năm 2008. Đắk Lắk lập dự án “khai tử” gần 70.000 ha rừng tự nhiên để trồng mới cao su đến năm 2010. Chỉ trong 3 năm 2007 – 2009, tỉnh Đắk Nông có hơn 1.000 ha rừng tự nhiên bị triệt hạ, Bình Phước cũng đã phá hủy 3.403 ha để trồng mới cao su hợp pháp. Diện tích rừng tự nhiên bị các hộ dân phá để trồng cao su tiểu điền và các loại cây công nghiệp khác khó có thể thống kê hết được. Hay như tại Quảng Nam, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn ha rừng và đất rừng đã được cấp cho các doanh nghiệp để chuyển đổi trồng cao su, trong đó nhiều nhất là Công ty Việt – Hàn được cấp 4.115 ha…

Nhưng làm gì có diện tích rừng nghèo, đồi núi trọc nhiều đến như thế? Có thể nói “cơn sốt phá rừng trồng cao su hiện nay ở miền Trung – Tây Nguyên đang thực sự làm cho nhiều người lo lắng. Ngoài việc phá rừng cho mục tiêu trồng cao su, còn một nguyên nhân “tế nhị” nữa là đẩy nhanh tốc độ phá rừng để tận thu nguồn gổ rừng, nên các dự án cao su được triển khai rất nhanh và không ai dại gì lập dự án trên những vùng đất trống đồi núi trọc?

Bài học phát triển nóng cà phê, hồ tiêu, điều, mía đường, quế, dứa, sắn… chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt của những năm trước đây, đến nay vẫn còn để lại hậu quả nhiều địa phương chưa khắc phục xong. Liệu cây cao su có lặp lại “vết xe đổ” của các loại “cây vàng” trước đó?

Thực tế mấy năm vừa qua, cây cao su phát huy được hiệu quả kinh tế là nhờ thị trường xuất khẩu ổn định với giá cao, nhưng thiếu bền vững, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường nhập khẩu của Trung Quốc. Trong khi năng suất và chất lượng cao su của Việt Nam vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực, công nghiệp chế biến cao su chưa theo kịp với tốc độ phát triển nguồn nguyên liệu, nên xuất khẩu thô vẫn là chủ yếu, nếu rủi ro rớt giá thì người nông dân sẽ gánh chịu thiệt hại rất lớn. Việc phát triển đại trà cây cao su với tốc độ nhanh, diện tích lớn, bất chấp qui hoạch, thiếu dự báo khả thi về thị trường tiêu thụ đang tiềm ẩn rất lớn rủi ro này.

Thực tế, khi bài viết bài này được thực hiện, giá cao su trên thị trường các tỉnh miền Trung -Tây Nguyên đang tụt giảm mạnh từ 13.000 – 14.000 đồng/kg mủ tươi xuống còn 5.700 – 6.000 đồng/kg, làm cho nhiều hộ gia đình lao đao lo lắng. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ sẽ có nhiều hộ gia đình sẽ chặt phá cao su để chuyển đổi cây trồng khác là không tránh khỏi.

Cây cao su sẽ đem lại lợi ích to lớn trước mắt, nhưng nó không phải là cây rừng, không thể thay thế cho những cánh rừng đầu nguồn. Nếu tình trạng đổi rừng lấy cao su đang diễn ra hàng ngày ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên không được kiểm tra giám sát hiệu quả, qui hoạch hợp lý thì hậu quả về môi sinh cũng như hiệu quả kinh tế lâu dài sẽ khó lường hết được.

VOVnews

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng