Áp lực dư thừa nguồn cung toàn cầu và căng thẳng thương mại, khủng hoảng chính trị, chính sách tiền tệ chuyển biến chậm chạp đã tác động mạnh khiến đầu cơ chuyển hướng làm giá cà phê kỳ hạn đồng loạt lao dốc.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục giảm sâu. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 26 USD, xuống 1.270 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm thêm 25 USD, còn 1.296 USD/tấn, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 3,55 cent, xuống 93,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 3,4 cent, còn 97,3 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức “khủng”, hiếm thấy.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 400 – 500 đồng, xuống dao động trong khung 31.500 – 32.300 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.376 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 60 – 80 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Đồng Reais giảm 2,0 % xuống ở mức 1 USD = 3,9830 Reais và USD tiếp tục tăng nhẹ đã làm hầu hết các thị trường nông sản tràn ngập sắc đỏ, trong khi giá vàng tiếp nối đà tăng do Trung Quốc mua mạnh.
Giá cà phê trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn tiếp tục lao dốc không ngoài sự lo ngại của giới thương nhân quốc tế do áp lực dư thừa nguồn cung toàn cầu và chính sách tiền tệ chuyển biến chậm chạp của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới trước căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc dường như bế tắc, khủng hoảng chính trị tại Hồng Kông và căng thẳng địa chính trị chưa thấy có điểm dừng… đã làm cho bức tranh kinh tế thế giới trở nên u ám.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu (Cecafé) Brasil đã báo cáo xuất khẩu tháng Bảy đạt tổng cộng 3,2 triệu bao cà phê các loại, bao gồm cà phê hạt, cà phê rang xay và cà phê hòa tan quy đổi, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
Anh Văn (giacaphe.com)