Nếu như năm 2008, giá phân urê trong nước liên tục nhảy múa, hết tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm rồi đột ngột giảm mạnh vào các tháng cuối năm thì bước sang năm 2009 giá phân urê lại tương đối bình ổn.
Giá urê tại An Giang trung bình năm 2009 đạt khoảng 6.100 đồng/ki lô gam, giảm 22,1% so với mức giá trung bình 7.850 đồng/ki lô gam của năm 2008. Tính chung cả năm 2009, giá urê bán lẻ tại An Giang không biến động tăng/giảm quá 10%/tháng.
Tương tự như urê, giá phân NPK tại thị trường An Giang đã liên tục tăng mạnh từ khoảng cuối tháng 10-2007. Tuy nhiên, sau khi leo lên mức cao kỷ lục vào tháng 7-2008 thì giá loại phân này lại liên tục sụt giảm. Tại thời điểm cuối năm 2009, giá phân NPK tại An Giang chỉ còn hơn 10.000 đồng/ki lô gam, giảm 22,6% so với mức giá hồi đầu năm. Trung bình cả năm 2009, giá NPK tại An Giang đã giảm khoảng 11,3% so với năm 2008.
Vị trí đặt quảng cáoSở dĩ giá các loại phân bón trong nước năm 2009 có xu hướng giảm mạnh so với năm 2008 là do giá phân bón nhập khẩu giảm. Có thể thấy, giá phân bón trong nước và giá phân bón thế giới có mối tương quan khá chặt chẽ do hiện nay lượng phân bón nhập khẩu đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng phân bón nội địa.
Đơn cử như trường hợp giá phân urê. Năm 2008, giá urê nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh đã góp phần làm giá urê trong nước tăng theo. Nhưng sang đến năm 2009, do giá phân urê nhập khẩu tương đối ổn định nên giá urê trong nước cũng không có biến động mạnh.
Bước sang năm 2010, việc giá bán điện bình quân cho các ngành sản xuất tăng 6,2% bắt đầu từ 1-3-2010 trong bối cảnh giá xăng dầu, giá than, giá nước đã được điều chỉnh tăng từ trước đó, cùng với việc tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ và lãi suất ở mức cao được xem là những nhân tố chính đẩy giá các loại phân bón trong nước tăng. Tuy nhiên, theo
Báo cáo thường niên phân bón năm 2009 và triển vọng 2010, AGROMONITOR dự báo, giá phân bón trên thị trường Việt Nam trong năm 2010 sẽ khó có khả năng tăng cao như năm 2008 mà chỉ tăng khoảng 15-17% so với mức giá trung bình của năm 2009, do có khá nhiều yếu tố gây áp lực giữ giá không tăng mạnh:
– Thương mại toàn cầu sẽ phục hồi trở lại vào năm 2010 nhưng mức độ phục hồi còn khá yếu ớt do nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp. Do vậy xuất khẩu nông sản Việt Nam khó có thể quay trở lại như thời kỳ hoàng kim của năm 2008. Trong khi đầu ra cho xuất khẩu nông sản chưa được khai thông, giá nông sản vẫn trồi sụt thất thường thì xu hướng tiết kiệm phân bón nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất ngày càng trở nên phổ biến
Nguồn cung phân bón sản xuất trong nước năm 2010 sẽ không bị thiếu hụt nhiều so với nhu cầu do một số nhà máy dự kiến nâng công suất hoạt động. Đơn cử như Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí) sẽ nâng công suất từ 740.000 tấn/năm lên 800.000 tấn/năm vào cuối 2010 nhờ triển khai dự án thu hồi CO2 từ khói thải để sản xuất phân đạm.
– Giá phân bón trên thị trường thế giới được dự báo sẽ khó tăng theo giá xăng dầu do nguồn cung luôn vượt cầu. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, năm 2010, giá các loại phân DAP, Kali và urê sẽ lần lượt giảm khoảng 7,1%, 36,5% và 10% so với mức giá trung bình của năm 2009, xuống còn 300 đô la Mỹ/tấn, 400 đô la Mỹ/tấn và 225 đô la Mỹ/tấn.
Tại Trung Quốc – nơi Việt Nam nhập khẩu phân bón lớn nhất, từ đầu năm đến nay do nhu cầu phân bón cho vụ xuân giảm sút bởi ảnh hưởng của thời tiết trong khi nguồn cung phân bón sản xuất tương đối dồi dào đã khiến cho giá phân bón tại nước này giảm mạnh và lượng phân bón tồn kho từ các doanh nghiệp là khá lớn.
– Việt Nam được dự báo là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này càng được minh chứng rõ ràng hơn khi trong ba tháng đầu năm 2010 hiện tượng khô hạn và xâm nhập mặn xảy ra ngày càng phổ biến. Các hiện tượng này sẽ động tiêu cực đến nhu cầu sử dụng phân bón cho các loại cây trồng chính như lúa, cà phê, hạt tiêu, hạt điều…
Theo SGtimes