Áp lực bán hàng vụ mới từ các nước Mỹ La-tinh và sự biến động tỷ giá tiền tệ của các nước sản xuất so với USD đã khiến các thị trường cà phê vẫn còn tiêu cực cho tới cuối năm.
Thị trường London sụt giảm liên tiếp trong suốt cả tuần 30. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9 giảm tất cả 75 USD, tức giảm 5,29 %, xuống 1.344 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11giảm tất cả 74 USD, tức giảm 5,18 %, còn 1.373 USD/tấn, các mức giảm mạnh. Khối lượng thương mại trên mức trung bình.
Tương tự, thị trường New York cũng sụt giảm liên tiếp trong suốt cả tuần. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 9 giảm tất cả 7,55 cent, tức giảm 7,04 %, xuống ở mức 99,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm tất cả 7,75 cent, tức giảm 6,97%, còn 103,4 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng thương mại duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên giảm tất cả 600 – 700 đồng, xuống dao động trong khung 32.000 – 33.000 đồng/kg.
Thương mại các thị trường tiếp diễn với tâm thế suy đoán và chờ đợi các biện pháp hỗ trợ mới từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, mà nổi bật trong tuần là kỳ vọng các chính sách mới để hỗ trợ, kích thích kinh tế từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (thường gọi tắt là Fed) sẽ cắt giảm lãi suất USD vào tuần tới. Tuy nhiên, thị trường thể hiện sự thất vọng khi ECB vẫn duy trì lãi suất đồng Euro hiện hành đã khiến chứng toán toàn cầu ngập trong sắc đỏ.
Do đó, trọng tâm của tuần tới sẽ là việc cắt giảm lãi suất của Fed đã được thị trường kỳ vọng, đặt cược lên tới 80%.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê Arabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 16/7, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 17,91% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 20.863 lô, tương đương với 5.914.568 bao và có khả năng đã tăng nhiều hơn nữa sau giai đoạn thương mại chủ yếu là tiêu cực kể từ đó tiếp theo.
Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 5,22% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 27.179 lô, tương đương với 4.529.833 bao và có nhiều khả năng đã tăng thêm nữa sau giai đoạn thương mại tiêu cực hơn kể từ đó tiếp theo sau.
Áp lực bán hàng vụ mới từ các nước Mỹ La-tinh và sự biến động tỷ giá tiền tệ của các nước sản xuất so với USD đã khiến các thị trường cà phê vẫn còn tiêu cực cho tới cuối năm. Cho nên xu hướng “gấu đầu cơ” trên các thị trường cà phê kỳ hạn vẫn còn tiếp diễn.
Tính đến thứ Hai ngày 22/7, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng thêm 9.320 tấn, tức tăng 7,07% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký ở mức 141.140 tấn (tương đương 2.352.333 bao, bao 60 kg).
Anh Văn (giacaphe.com)