Tổng hợp thị trường cà phê tuần 8 (18/02/2019 – 23/02/2019)

Thị trường nội địa Việt Nam ghi nhận sự kháng giá của nhà nông vẫn tiếp diễn khi giá kỳ hạn London còn quanh quẩn ở mức thấp.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T5/2019 tuần 8 (18/02/2019 – 23/02/2019)

Tính chung cả tuần 8, thị trường London có 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đi ngang. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3 giảm 12 USD, xuống 1.517 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 16 USD còn 1.539 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng thương mại trên mức trung bình.

Tương tự, thị trường New York cũng có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3 giảm tất cả 1,5 cent, xuống 96,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 1,65 cent, còn 100 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng thương mại khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên giảm 200 đồng, xuống dao động trong khung 32.400 – 33.100 đồng/kg.

Giá cà phê Arabica tiếp tục suy yếu do nguồn cung dự báo dư thừa. Trong khi USD vẫn vững chắc trong rổ tiền tệ mạnh và dự báo kinh tế vĩ mô tổng thể vẫn còn tiêu cực đã khiến nhà đầu tư tiếp tục chuyển vốn vào các tài sản an toàn.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) bị chậm lại từ thị trường cà phê Arabica New York cho biết, tính đến thứ Ba ngày 29/1, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 0,74% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 62.109 lô, tương đương 17.607.626 bao và có khả năng đã tăng thêm nữa sau giai đoạn thương mại hỗn hợp kể từ đó tiếp theo.

Trái lại, giá cà phê Robusta vẫn dao động trong biên độ hẹp do các đầu cơ và quỹ tiếp tục cân đối vị thế trước ngày hết hạn quyền chọn tháng 3. Bên cạnh còn là sự kháng giá đáng kể của nông dân các nước sản xuất.

Báo cáo CFTC mới nhất từ ​​thị trường cà phê Robusta London cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 12/2, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 7,55% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 23.924 lô, tương đương 3.987.333 bao và có khả năng thay đổi không đáng kể sau giai đoạn thương mại đi ngang là chủ yếu kể từ đó tiếp theo.

Thị trường cà phê toàn cầu thể hiện sự quan ngại về nguồn cung trung và dài hạn sẽ thiếu hụt trở lại. Không chỉ do tác động của biến đổi khí hậu mà con do giá thấp kéo dài sẽ khiến nông dân các nước sản xuất cắt giảm đầu tư chăm bón dẫn tới năng suất giảm trong khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu vẫn tăng trưởng đều đặn.

Diện tích cà phê già cỗi cần được tái canh ở Việt Nam chiếm một con số đáng kể, nhưng vì giá thấp kéo dài buộc nhà nông phải chuyển đổi cây trồng, mà xen canh với các loại cây ăn quả khác là lựa chọn phù hợp với hiện tại. Dự kiến khối lượng cà phê Robusta xuất khẩu sẽ giảm dần trong những năm tới.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng