Căng thẳng thương mại có dấu hiệu giảm nhiệt đã giúp hầu hết các thị trường hàng hóa khởi sắc trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục gia tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 26 USD, lên 1.556 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 25 USD, lên 1.573 USD/tấn, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 2,65 cent, lên 102,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 2,5 cent, lên 105,15 cent/lb, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 500 – 600 đồng, lên dao động trong khung 33.300 – 34.100 đồng/kg .
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.483 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 85 – 90 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.
Căng thẳng thương mại có dấu hiệu giảm nhiệt, đồng Reais tăng thêm 0,6% lên ở mức 1 USD = 3,7550 Reais, trong khi USD giảm nhẹ kèm theo các báo cáo kinh tế Mỹ lạc quan hơn đã hỗ trợ giá cà phê.
Một khảo sát mới nhất của Bloomberg cho thấy giá cà phê trong năm nay sẽ ở mức trung bình 124 cent/lb, tăng từ mức trung bình 115 cent/lb của năm 2018, tuy vẫn còn thấp hơn mức giá trung bình của nhiều thập kỷ qua.
Hợp tác xã cà phê Cooxupé lớn nhất của Brasil và cả thế giới cho rằng mức giá trung bình thấp nhất 4 năm đã khiến hầu hết nông dân Mỹ La-tinh giảm đầu tư chăm sóc và do đó, dự kiến sản lượng Brasil năm nay sẽ giảm từ mức kỷ lục 63,4 triệu bao xuống còn 55 triệu bao, trong khi cây cà phê Arabica còn rơi vào năm giảm của chu kỳ “hai năm một”. Góp phần vào sự sụt giảm sản lượng năm nay còn do đồng tiền của các nước sản xuất suy yếu, giá cà phê duy trì ở mức thấp kéo dài khiến hầu hết nông dân trồng cà phê thua lỗ nên việc bỏ bê vườn cây là hệ quả tất yếu, thậm chí đã có nhiều nông hộ chuyển đổi cây trồng.
Theo dữ liệu thương mại của chính phủ Indonesia, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 12 giảm 93.033 bao, tức giảm 40,17% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng 138.540 bao. Do đó, lũy kế xuất khẩu cà phê Robusta trong 3 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại 2018/2019 giảm 416.100 bao, tức giảm tới 42,06% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước, chỉ đạt tổng cộng 573.255 bao.
Tuy Indonesia thu hoạch vụ mùa năm 2018 tăng hơn 4,7% lên 11,1 triệu bao theo dự báo của USDA nhưng các nhà xuất khẩu vẫn không đẩy mạnh bán ra, cho dù cà phê Lampung loại 4 luôn có mức chênh lệch cộng khá cao so với giá sàn London.
Thương mại tại thị trường nội địa Việt Nam diễn ra khá trầm lắng. Đây cũng là điều hiếm thấy so với cùng thời điểm này của các năm trước.
Anh Văn (giacaphe.com)