Nông dân và doanh nghiệp, ai cần được Nhà nước hỗ trợ ?

Giá cà-phê liên tục giảm trong hơn một năm qua, khiến nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng chiến lược này lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Trước thực trạng đó, Hiệp hội Cà-phê – Ca cao và Tổng công ty Cà-phê Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn tài chính để mua tạm trữ 200 nghìn tấn cà-phê trong dân. Tuy nhiên, việc hỗ trợ như thế nào, cho ai để mang lại hiệu quả thiết thực là vấn đề cần quan tâm.


Tiến thoái lưỡng nan

Giá cà-phê ở Ðác Lắc hiện đang ở mức dưới 23 triệu đồng/ tấn, thấp nhất kể từ đầu năm 2009 đến nay. Ông Nguyễn Công Tính, người trồng cà-phê ở thị trấn Chư M’gar (Chư M’gar, Ðác Lắc) cho hay: ông vừa bán gần một tấn cà-phê nhân, thu được hơn 20 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lãi hơn tám triệu đồng. Gọi là lãi, nhưng ông Tính cho rằng, thực tế đó là tiền công của cả gia đình chăm sóc bốn sào vườn trong suốt cả năm. Biết giá thấp, nhưng ông vẫn phải bán để lấy tiền đầu tư phân bón, nước tưới…, vì hiện nay các đại lý cà-phê, phân bón không còn cho người dân tạm ứng vật tư như những niên vụ trước.

Qua tìm hiểu được biết, giá cà-phê xuống thấp trong thời gian dài và nằm ngoài hầu hết các dự báo nên không chỉ người trồng gặp khó khăn mà còn khiến một số đại lý cà-phê ở Ðác Lắc bị phá sản. Các đại lý còn trụ được đều phải thay đổi phương án kinh doanh, thu mua cầm chừng và tạm ngừng việc tạm ứng vốn cho nông dân. Ngay cả Công ty TNHH một thành viên 2-9, một trong những đơn vị xuất khẩu cà-phê hàng đầu ở Ðác Lắc cũng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo xu hướng giảm. Từ đầu vụ thu hoạch 2009 đến cuối tháng 2-2010, công ty này mới chỉ thu mua và xuất khẩu được 37 nghìn tấn cà-phê nhân, bằng ba phần tư lượng thu mua – xuất khẩu của niên vụ trước.

Ông Lê Ðức Thống, Tổng giám đốc công ty lưu ý, hiện công ty chủ trương thu mua và xuất khẩu ngay, còn mua để tạm trữ thì hầu như không có doanh nghiệp nào dám mạnh tay trong thời điểm này. Sang tháng 3-2010, giá cà-phê vẫn không vượt qua mức 23 triệu đồng/tấn càng khiến thị trường cà-phê thêm trầm lắng.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Ðác Lắc Dương Thanh Tương cho biết: Các doanh nghiệp cũng như người trồng cà-phê đang “tiến thoái lưỡng nan”, bởi giá cà-phê xuống thấp và kéo dài, chưa biết bao giờ chạm đáy, do đó, ngành cà-phê đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp mua tạm trữ 200 nghìn tấn, qua đó giúp nông dân trồng cà-phê bớt đi phần nào khó khăn. Tuy nhiên, cũng vì chưa biết biểu đồ giá cà-phê lên xuống theo hướng nào, nên dù được hỗ trợ vốn, gắn với điều kiện phải mua tạm trữ cà-phê vào thời điểm này cũng chưa chắc đã được nhiều doanh nghiệp tự tin đón nhận.

Nông dân cần vốn

Ông Dương Thanh Tương cho rằng: Doanh nghiệp thì toan tính, chần chừ trong việc mua tạm trữ cà-phê, nhưng người trồng cà-phê thì đang rất cần vốn. Việc bán cà-phê vào thời điểm giá rẻ như hiện nay với họ chỉ là điều bất đắc dĩ. Nếu có nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, chắc chắn việc tạm trữ cà-phê sẽ được tiến hành suôn sẻ và hiệu quả hơn.

Ðiều này được chứng minh qua lượng cà-phê gửi vào Trung tâm giao dịch cà-phê Buôn Ma Thuột tăng vọt trong hai tháng gần đây (từ vài chục tấn lên gần một nghìn tấn) khi người gửi cà-phê vào trung tâm được Techcombank cho vay vốn.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc trung tâm cho biết: Khi người trồng cà-phê ký gửi hàng hóa của mình vào đây và được Techcombank cho vay vốn để tái đầu tư, đã mở ra cho các hộ sản xuất cà-phê một “lối thoát” thật sự. Bởi, thay vì bán cà-phê với giá thấp như hiện nay người trồng cà-phê ký gửi vào trung tâm để được Techcombank cho vay vốn trang trải cho những nhu cầu trước mắt.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Hà thì nông dân Ðác Lắc không thể chỉ trông cậy vào mỗi Techcombank và Trung tâm giao dịch cà-phê Buôn Ma Thuột. Vì nếu ở xa, vận chuyển cà-phê vào tạm trữ tại kho trung tâm ở Buôn Ma Thuột, họ sẽ phải gánh thêm chi phí vận chuyển, làm mất đi ý nghĩa của việc tạm trữ nhằm giảm thiệt hại cho ngành cà-phê nói chung và người sản xuất, kinh doanh cà-phê nói riêng theo tinh thần của Chính phủ. Vì thế, hơn bao giờ hết, người trồng cà-phê ở Ðác Lắc đang thật sự mong muốn có nguồn hỗ trợ kịp thời, trực tiếp từ phía Nhà nước thông qua nguồn vốn vay lãi suất thấp của các ngân hàng thương mại trên địa bàn nhằm giữ được lượng cà-phê hiện có trong dân, chờ cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm mà họ vất vả làm ra.

Chưa kể, việc hỗ trợ vốn cho người trồng cà-phê trong bối cảnh thị trường biến động theo chiều hướng bất lợi như hiện nay, còn có ý nghĩa xa hơn nữa là tạo điều kiện cho ngành cà-phê Việt Nam dồn sức tái đầu tư phục hồi năng suất, sản lượng hàng hóa cho những niên vụ tiếp theo.

Theo Nhân Dân

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cuong tienle

    Hỗ trợ???? chúng ta lúc nào cũng yêu cầu hỗ trợ, nhờ những chính sách hỗ trợ mà càng hỗ trợ thì người dân cà khổ. Nhà nước cũng như một tổng công ty lớn phải cân đối nguồn thu thì mới có cái mà chi chứ. Không có thu thì phải đi vay mà chi, nếu không vay được thì phát hành tiền mà phát hành tiền mà không có tài sản đảm bảo (cụ thể là vàng) thì lạm phát càng lớn, mà lạm phát lớn thì các chỉ số giá, giá tiêu dùng tăng đều đều thì càng hỗ trợ thì càng ngày dân càng khổ.

    Riêng ngành cà phê nếu được hỗ trợ 1 đồng, thì giá các mặt hàng như phân bón, thuốc trừ sâu, điện, lãi vay, xăng dầu…..đều tăng ở mức chóng mặt. Thử hỏi 1 năm Các công ty kinh doanh cà phê nguyên liệu, nộp ngân sách bao nhiêu tiền???? hay năm nào cũng phải hỗ trợ??? Vậy lấy tiền đâu mà hỗ trợ. 90% sản lượng cà phê nguyên liệu dùng để xuất khẩu, vậy xuất khẩu thu về lợi nhuận được bao nhiêu??? hay càng làm càng lỗ. Nhà nước không thể nào chăm sóc các ông bị bệnh nan y này được.

    Nhà nước có hỗ trợ thì nên hỗ trợ các Công ty tạo ra giá trị gia tăng cho cà phê việt nam, giảm tỷ lệ xuất khẩu nguyên liệu thô xuống. (như khu lọc dầu Dung Quất đối với ngành dầu khí).

    Hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới như Ấn Độ và Trung Quốc làm cho dân chúng 2 nước này nghiện cà phê việt nam, thì cà phê Việt nam có lối thoát.
    Tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nông dân thì đem tiền đó đi làm thì trường và nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩn cà phê giá trị việt nam, nếu có hỗ trợ thì nên hỗ trợ cho các công ty cà phê như Trung Nguyên, Vinamik…. thì người trồng cà phê mới có lối thoát.

  2. le quanq lam

    Vay ở Techcombank, lãi cao quá…. sao Ông Nguyễn Tuấn Hà không liên kết với ông Ngân hàng Nông nghiệp nhỉ. Mà tính đi tính lại tổng chi phí để vay ông Nông nghiệp lắm lúc còn……

  3. hoang van manh

    neu nha nuoc co ho tro thi khi nao moi ho tro de cho nong dan bot kho, ho tro thi se ho tro nhu the nao day, hay la chi co thao luon ong roi cung nhu the, ma co ho tro thi thuc su co toi dc tay cua nong dan hay ko? neu giai quyet duoc van de do cung chinh la mot van de………………

Tin đã đăng