Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang gặp khó khăn; trong khi đó, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới lại chưa rõ nét. Thời gian tới, xuất khẩu cần phải có đột biến mới mong đạt kế hoạch đề ra cho cả năm 2010.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, xuất khẩu quý 1 đạt 14,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 13,479 tỷ USD cùng kỳ năm 2009.
Nhiều mặt hàng đã đạt ngưỡng xuất khẩu
Những mặt hàng xuất khẩu (XK) truyền thống, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của nước ta như gạo, giày dép, cà phê, may mặc, đã đến ngưỡng XK.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, những mặt hàng này rất khó đạt được sự đột biến về giá trị và khối lượng XK: “Trong nội bộ chúng ta đang có hai vấn đề. Thứ nhất là nhiều mặt hàng XK đã tới hạn, nên có tăng thì tăng không đáng kể như gạo, cà phê, hạt điều. Thứ hai là nhiều mặt hàng của Việt Nam, các đơn vị kinh doanh “bảo nhau” không được, trong đó có gạo; Thậm chí là giẫm chân lên nhau như cà phê, gạo, hải sản, cao su, hạt tiêu… Một vấn đề mang tính chất lâu dài là giá trị gia tăng hàng hóa XK của Việt Nam chưa cao. Do đó, chưa có hy vọng về sự đột phá trong XK của những mặt hàng cơ bản”.
Đầu năm, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT khá lạc quan về mục tiêu XK 4,7 tỷ USD mặt hàng thủy sản. Tính đến hết tháng 2, mặt hàng này vẫn tăng trưởng tốt, tăng trên 19% so với cùng kỳ năm 2009. Thế nhưng, bước sang tháng 3, nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam cần thận trọng trong bối cảnh EU quy định từ ngày 1/1/2010, tất cả lô hàng hải sản khai thác phải có giấy chứng nhận khai thác hợp pháp, nếu thiếu sẽ không được phép xuất vào EU. Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cảnh báo: Cần coi chừng XK thủy sản không tốt như kế hoạch ban đầu, vì vấn đề chống bán phá giá, rồi truy xuất nguồn gốc hàng hóa của EU. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến XK thủy sản của cả năm. Một vấn đề nữa là cần lưu ý hành động của đối thủ cạnh tranh.
Đối với mặt hàng nông sản quan trọng khác là cà phê, hiện năng lực sản xuất cũng đã tới ngưỡng. Không những thế, theo nhiều doanh nghiệp trong ngành, lượng XK có thể giảm từ 20 – 30% do mất mùa. Nhưng câu chuyện chính có lẽ không dừng ở lượng cà phê XK, mà là giá cà phê XK giảm thê thảm đến 40%, thiệt hại lớn cho người trồng cà phê. Nguyên nhân phần lớn do các doanh nghiệp Việt Nam không đoàn kết, không tự giải quyết được với nhau đã bán phá giá và bị ép giá. Điều đáng nói là giá cà phê thế giới hiện còn phụ thuộc lớn vào nước xuất khẩu cà phê lớn nhất là Brazil. Thiệt hại từ những bất lợi này được các chuyên gia ước tính tương đương mức sụt giảm khoảng 700 triệu USD trong kim ngạch XK của năm nay.
Thị trường gạo năm nay vẫn được đánh giá là tươi sáng, và từ cuối tháng 3 này, các thị trường như châu Phi, Ấn Độ, Philippines, Malaysia bắt đầu nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cảnh báo, doanh nghiệp XK gạo nước ta cần lưu ý đến động thái của các nước XK gạo đối thủ, trong đó có Thái Lan. Hiện dự trữ gạo của Thái Lan tương đối lớn, việc nước này bán gạo ra có thể đẩy giá gạo thế giới đi xuống.
Gia tăng giá trị sản phẩm – biện pháp thiết yếu
Từ tháng 2 đến nay, các DN XK đang gặp khó từ áp lực tăng chi phí, gồm chi phí vốn và tỷ giá tăng. Chi phí vốn trung và dài hạn tăng, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận hơn với vốn ngắn hạn. Nếu vay dài hạn tạm trữ hàng thì DN khó chịu được giá vốn. Trong khi đó, tỷ giá tăng tuy có lợi cho XK, nhưng cần lưu ý rằng, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu của nước ta chiếm khoảng 60%, do đó đẩy chi phí hàng hóa tăng đáng kể.
Trong khi đó, điều mà các doanh nghiệp XK nước ta kỳ vọng là sự phục hồi kinh tế thế giới và gia tăng nhu cầu chi tiêu, lại không mấy tươi sáng như mong đợi. Ông Đỗ Đức Định, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông – Bộ Công thương cho rằng, đến thời điểm này, kinh tế thế giới vẫn chưa có sự phục hồi trông thấy, mà chỉ phục hồi từng phần, nên sức mua chưa tăng. Các thị trường truyền thống cũng chưa đạt mức tiêu dùng như trước khủng hoảng. Một số thị trường như châu Phi và Trung Đông, sức mua có, nhưng chúng ta chưa khai thác tốt”.
Như vậy đang tiềm ẩn không ít khó khăn đối với các mặt hàng XK của nước ta, trong đó đáng lưu ý là nhóm mặt hàng nông sản chủ lực, như cà phê, thủy sản. Đặc biệt, điểm rất đáng lưu ý đối với nhóm hàng nông lâm thủy sản là khả năng tăng về lượng XK là rất khó. Bởi vậy, theo ông Đào Ngọc Chương, Vụ châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương, chế biến nâng cao giá trị gia tăng là biện pháp cần làm. Doanh nghiệp cần phải chuyển sang đầu tư công nghệ, chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mới là hướng đi hiệu quả giúp tăng kim ngạch XK.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thì DN cần tiếp cận thị trường, tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng ở nước nhập khẩu, xem nhu cầu tiêu dùng sau khủng hoảng có gì khác, mức độ chi tiêu dùng đến đâu. Có như vậy mới có định hướng sản xuất loại hàng hóa thích hợp để có thể XK.
Vũ Dũng (báo TNVN)