Các đầu cơ và quỹ mạnh tay bán ròng khi kỹ thuật xác nhận xu hướng giá suy yếu đã trở nên rõ ràng hơn.
Kết thúc phiên giao dịchcuối tuần 48, cũng là phiên cuối tháng 11, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London lao dốc. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm thêm 29 USD, xuống 1.580 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 26 USD, còn 1.599 USD/tấn, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm thêm 5,25 cent, xuống 103,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 4,75 cent, còn 107,55 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 500 – 600 đồng, xuống dao động trong khung 33.800 – 34.400 đồng/kg .
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.499 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 95 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 3 tại London.
Giá cà phê thế giới đột ngột lao dốc là điều không làm thị trường quá bất ngờ khi các phiên trước đó đã thể hiện sự trì trệ với khối lượng giao dịch quanh quẩn ở mức trung bình trong khi giá vàng, dầu thô suy giảm kéo dài.
Tuy nhiên, yếu tố tác động đến sự suy thoái hiện hành của các thị trường hàng hóa đang xoay quanh cuộc họp G-20 với viễn cảnh của sự “hàn gắn” giữa các cường quốc dường như đã trở nên mong manh.
Goldman Sachs Group Inc. ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở ở New York, đã đưa ra nhiều kịch bản về căng thẳng thương mại và cho rằng sự leo thang tiếp tục sẽ là “khả năng cao nhất”. USDX đã tăng vọt làm hầu hết các sàn hàng hóa đỏ rực sau đánh giá của ngân hàng này.
Theo các nhà quan sát, sự suy thoái có thể chỉ là nhất thời nhưng kỳ vọng tăng trưởng mạnh ngay lập tức là điều không thể. Giá cà phê nói riêng vẫn đang chịu áp lực của vụ mùa mới đang thu hoạch và dự báo toàn cầu sẽ dư thừa cà phê trong năm 2019 và có thể cả năm 2020 tiếp theo.
Anh Văn (giacaphe.com)