Tổng hợp thị trường cà phê tuần 46 (12/11 – 17/11/2018)

Thị trường cà phê thế giới tiếp tục trì trệ do áp lực bán hàng vụ mới nên đã không hỗ trợ các đầu cơ và quỹ thanh lý khi hợp đồng tháng 12 sàn New York sắp tới ngày thông báo đầu tiên. 

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T1/2019 tuần 46 (12/11 – 17/11/2018)

Tính chung cả tuần thứ 46, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London có 3 phiên tăng nhẹ liên tiếp giữa tuần và 2 phiên giảm mạnh ở đầu và cuối tuần. Kỳ hạn giao ngay tháng 1/2019 giảm tất cả 39 USD, xuống 1.646 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2019 giảm tất cả 35 USD, còn 1.658 USD/tấn, các mức giảm đáng kể.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng đan xen. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm tất cả 1,25 cent, xuống 112,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2019 giảm tất cả 1,2 cent, còn 116,3 cent/lb, các mức giảm nhẹ.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 600 – 700 đồng, xuống dao động trong khung 35.000 – 35.600 đồng/kg.

Biến động giá trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn trong tuần vừa qua đã thể hiện giá cà phê quốc tế vẫn còn trì trệ kéo dài do tác động tiêu cực của kinh tế vĩ mô tổng thể. Bên cạnh còn là sức ép bán hàng vụ mùa năm nay của Brasil, trong khi nhiều nước sản xuất khác cũng bắt đầu bước vào thu hoạch chính vụ.

Thị trường còn có thêm dự báo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) về nguồn cung toàn cầu dư thừa trong niên vụ cà phê mới 2018/2019 và có khả năng dư thừa kéo dài sang niên vụ cà phê sau 2019/2020.

Tuy nhiên ICO cũng kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu sẽ gia tăng tương ứng, đặc biệt là tại thị trường nội địa của các nước sản xuất và các quốc gia có dân số cao ở Châu Á và Châu Đại Dương.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ ​​thị trường cà phê Arabica New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 06/11, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế bán ròng ngắn hạn bớt 11,29% so với tuần trước đó, xuống đăng ký bán ròng ở 39.372 lô, tương đương 11.161.788 bao và có nhiều khả năng đã gia tăng trở lại sau những phiên thương mại chủ yếu là tiêu cực kể từ đó tiếp theo sau.

Báo cáo CFTC mới nhất từ ​​thị trường cà phê Robusta London cho thấy, tính đến cùng kỳ, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế bán ròng ngắn hạn bớt 25,2% so với tuần trước đó, xuống đăng ký bán ròng ở 3.580 lô, tương đương 596.667 bao và nhiều khả năng chỉ được tăng thêm một chút sau những phiên thương mại có phần tiêu cực vừa qua.

Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) của Mỹ đã báo cáo tồn kho dự trữ trong tháng 10 đã giảm 261.353 bao, tức giảm 4,06% so với tháng trước, xuống đăng ký ở 6.176.867 bao vào cuối tháng. Tính thêm số đang được vận chuyển quá cảnh và tồn kho tại chỗ của nhà rang xay ước khoảng 1,1 triệu bao nữa thì tổng tồn kho này sẽ đáp ứng cho nhu cầu rang xay của thị trường tiêu thụ Bắc Mỹ khoảng hơn 12 tuần, được cho là con số dự trữ tương đối an toàn.

Theo dữ liệu báo cáo sơ bộ của ngành Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 10 đạt 138.111 tấn (khoảng 2,3 triệu bao) cà phê các loại, tăng 14,46% so với tháng trước ; lũy kế 10 tháng đầu năm đã xuất khẩu tổng cộng 1.585.037 tấn (khoảng 26,4 bao) cà phê các loại, tăng 22,16 % so với cùng kỳ năm trước. Giá cà phê bình quân xuất khẩu trong kỳ đạt 1.818 USD/tấn, tăng 3,45% so với giá bình quân xuất khẩu của tháng trước.

Cơ bão số 8, có tên quốc tế là Toraji, đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và gây mưa lũ trên diện rộng, bao phủ khắp vùng Nam Tây nguyên và Đông Nam bộ, khiến cho việc thu hoạch cà phê vụ mới bị đình trệ. Dự kiến đợt mưa lũ này kéo dài qua tuần sau, có khả năng sẽ làm một số diện tích cà phê ra hoa trái mùa.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

73