NutiFood cho rằng sự nhầm lẫn của người tiêu dùng giữa chất lượng và nhãn hiệu Cà Phê Sữa Đá Tươi NutiCafé là điều đáng tiếc.
Chỉ là cà phê hòa tan có mùi vị giống cà phê pha phin
Thị trường cà phê Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt khi có nhiều hãng ra đời sản phẩm mới, để có được chỗ đứng trên thị trường thì buộc các doanh nghiệp phải có bước đi khác, thậm chí là lạ lẫm để thu hút người tiêu dùng.
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn vẫn luôn là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm thì mục tiêu sản phẩm tươi, ngon, nguyên chất luôn là yếu tố hàng đầu cho các hãng cà phê làm mục tiêu phát triển.
Mới nhất là sự ra đời sản phẩm hòa tan của Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood mang tên Cà Phê Sữa Đá Tươi NutiCafé vào cuối tháng 8/2018 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người, lý do không chỉ bởi đây là sản phẩm cà phê công nghiệp đầu tay của NutiFood mà còn ở chữ “tươi” trên sản phẩm.
Nhiều người nghĩ rằng, Cà Phê Sữa Đá Tươi NutiCafé là sản phẩm cà phê tươi, nguyên chất.
Tuy nhiên, trả lời Đất Việt vào ngày 18/10/2018, ông Lê Nguyên Hòa – Phó Chủ tịch HĐQT công ty NutiFood cho biết, Cà Phê Sữa Đá Tươi NutiCafé là cà phê hòa tan “3 trong 1”, khi pha ra có hương vị không khác với cà phê rang xay pha phin với sữa đặc có đường.
Về các ý kiến cho rằng có thể người bị nhầm lẫn về nhãn hiệu và chất lượng thật của sản phẩm đối với Cà Phê Sữa Đá Tươi NutiCafé, ông Hòa bày tỏ: “Đây là điều đáng tiếc, NutiFood sẽ cố gắng truyền thông cho người tiêu hiểu rõ là “Cà Phê Sữa Đá Tươi NutiCafé” là nhãn hiệu, không phải là “loại sản phẩm”.
Như vậy, Cà Phê Sữa Đá Tươi NutiCafé không phải là cà phê tươi như nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ, đó chỉ là tên sản phẩm mà NutiFood đặt ra cho “đứa con” đầu tiên của mình trong lĩnh vực cà phê công nghiệp tại Việt Nam.
“Sản phẩm này được Ban Quản Lý An Toàn Thực Phẩm TP.HCM xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm vào cuối tháng 2/2018” – ông Hòa cho biết.
Trước đó, ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng khẳng định, hiện nay Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn cụ thể để xác định thế nào là cà phê tươi.
Từ đó, khái niệm “cà phê tươi” chưa được một cơ quan có thẩm quyền nào định nghĩa mà chỉ là quan niệm riêng của mỗi người.
“Hiện nay Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đang phối hợp cùng với Bộ NN&PTNT sớm đưa ra một bộ quy chuẩn về cà phê tươi để các doanh nghiệp, người tiêu dùng xác định rõ về khái niệm này” – ông Vinh cho biết.
Thành phần của Cà Phê Sữa Đá Tươi NutiCafé có gì?
Theo ông Hòa, sản phẩm Cà Phê Sữa Đá Tươi NutiCafé có hương vị giống với cà phê pha phin là do sử dụng công nghệ hiện đại trích ly- cô đặc lạnh nước cốt cà phê tươi cùng với hạt cà phê thật rang xay nhuyễn, NutiFood đã thành công “đóng gói” cà phê sữa đá Việt Nam dưới dạng cà phê hòa tan “3 trong 1”, nhưng khi pha ra có hương vị không khác với cà phê rang xay pha phin với sữa đặc có đường.
“Chữ Tươi trong tên sản phẩm dựa vào: Khi pha ra sử dụng có mùi vị giống như sản phẩm cà phê phin pha với sữa đặc có đường; Trong thành phần sản phẩm có có sử dụng cà phê rang xay nhuyễn, và cà phê cô đặc nhiệt độ dưới 0 độ C, thành phần này góp phần tạo nên mùi vị tươi cho sản phẩm” – ông Hòa lý giải.
Trong quảng cáo của NutiFood, thành phần dinh dưỡng của trong 1 gói cà phê NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi 24 gram, có 14% là cà phê hòa tan, 0,5% là cà phê rang xay nhuyễn và còn lại là bột kem thực vật, chất tạo màu, chất tạo ngọt ổn định, chất nhũ hóa…
Như vậy, trong một gói 24gram có 0,12 gam cà phê xay nhuyễn và 1,196 gram cà phê hòa tan.
Chỉ chiếm 14% nhưng cà phê sữa đá đã được gọi là “tươi” và cùng với 0,5% cà phê rang xay nhuyễn (tức tổng lượng cà phê chiếm 14,5%) đã đủ tạo nên một hương vị “tươi” khác biệt, nếu đối chiếu theo những dòng tiếp thị của Nutifood?
Một điểm đáng chú ý trong thành phần dinh dưỡng của gói cà phê 24 gram, nhà sản xuất sử dụng hương cà phê giống tự nhiên.
Trong khi thành phần cà phê rang xay trong NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi chỉ có 0,5% thì thành phần tạo nên hương cà phê tự nhiên chính là hương liệu được làm từ các chất gì?
Theo một giám đốc doanh nghiệp chuyên về thẩm định cà phê ở Đắk Lắk, với thành phần trong một gói sản phẩm NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi thì chưa thể được coi là “tươi”. Bởi tỷ lệ cà phê nguyên chất quá ít và còn bị pha bởi nhiều chất liệu khác, hương được tạo lên từ hương vị tổng hợp.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Thực phẩm cũng cho rằng, từ “tươi” trong ngành thực phẩm được hiểu theo nghĩa cạnh tươi sống, chưa qua chế biến. Còn với những đồ đã qua chế biến thì không thể được gọi là “tươi”.
“Đã là cà phê qua chế biến, dù có giữ lại hương vị bằng công nghệ trích ly, cô đặc cũng không thể gọi là cà phê “tươi” được. Công nghệ cao và sản phẩm hữu cơ là hoàn toàn khác nhau mà chỉ có thể được gọi là cà phê an toàn, cà phê sạch, cà phê hưu cơ…” – ông Thịnh nói.
Còn chuyên gia quản trị chất lượng Vũ Thế Thành không biết cụm từ “cà phê tươi” nghĩa là gì.
“Vấn đề là phải minh bạch, trộn thứ gì vào cà phê thì phải khai báo, có an toàn cho người tiêu dùng không? Đừng nghĩ rằng, chỉ cà phê “nguyên chất” mà mình uống mới là điệu nghệ, và phê phán, dè bỉu người khác. Chỉ là chiêu trò kinh doanh và “cà phê tươi” cũng nằm trong kiểu marketing đó thôi” – chuyên gia Vũ Thế Thành bày tỏ.
Hơn 50 năm uống cà phê mà tớ cũng ngọng… chả hiểu “cà phê tươi” là cái gì luôn !
Đặt tên sản phẩm không rõ ràng, gây cho người tiêu dùng hiểu nhầm, hiểu sai… quả là đáng tiếc !
Ngạn ngữ Việt Nam có câu : Treo đầu Dê bán thịt Chó
Cà phê tươi nhưng không phải cà phê thật mà chỉ là hương vị từ… Đúng là gian lận !
Vì luật của Việt Nam mình còn lỏng lẻo nên họ tìm cách lách luật bằng các cách như vậy mà anh !
Những người ở TP không trồng cà phê nghĩ là thu hoạch tươi chế biến thành cà phê tươi.
“Mập mờ đánh lận con (dân) đen”