New York tạm ngừng đà giảm, các thị trường kỳ hạn trở lại trái chiều (22/08/2018)

Các thị trường đang hướng về biên bản phiên họp chính sách của Fed diễn ra trong tuần này có thể làm rõ hơn về số lần tăng lãi suất.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T9/2018 ngày 21/08/2018

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 2 USD, xuống 1.651 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 11 giảm 5 USD còn 1.561 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2019 giảm 8 USD còn 1.549 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo nới rộng khoảng cách.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 0,7 cent, lên 97,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 0,85 cent lên 101,8 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.  

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 100 đồng, xuống dao động trong khung 33.200 – 33.800 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.476 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 80 – 85 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.

Sau chuỗi giảm kéo dài hiếm thấy, giá sàn New York đảo chiều tăng như một sự điều chỉnh tất yếu. Theo các nhà quan sát, giá cà phê tại New York rơi về mức hai con số đã khiến thị trường lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng bỏ bê, thiếu chăm sóc cây trồng của nông dân các nước sản xuất vì thua lỗ. Điều này sẽ dẫn đến năng suất sụt giảm trong khi sản lượng cà phê Arabica năm 2019 của Brasil sẽ giảm mạnh do chu kỳ “hai năm một”.

Trái lại, áp lực bán ra rất mạnh từ Brasil khi tỷ giá đồng Reais tăng tiếp, vượt qua mốc 4,0 kể từ năm 2016, ngay trước thềm bầu cử tổng thống mới như muốn báo hiệu một màu sắc u ám cho nền chính trị của quốc gia sản xuất nông sản “khổng lồ” ở Nam Mỹ. Thu hoạch cà phê Conilon Robusta vụ mới đã hoàn tất, dự kiến Brasil sẽ thu được xấp xỉ 16 triệu bao, dành 12 triệu bao cho ngành công nghiệp nội địa và 4 triệu bao tham gia thị trường xuất khẩu. Những chuyến hàng Conilon vụ mới xuất khẩu đầu tiên sẽ có mặt tại sàn London trong đầu tuần này.

Trong khi đó, báo cáo xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 8 của Việt Nam, tăng mạnh tới 59,86% so với cùng kỳ năm trước, cũng góp phần nhất thời kéo giảm giá sàn London. Nhưng dữ liệu thống kê cho thấy tính từ đầu niên vụ 2017/2018 đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 26,46 triệu bao cà phê các loại và do đó, khối lượng hàng xuống tàu chắc chắn sẽ cạn kiệt trong những tháng gối vụ (đọc thêm).

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) từ sàn London cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 14/8, bộ phận đầu cơ phi thương mại tại thị trường này đã giảm vị thế bán ròng ngắn hạn xuống còn 31.633 lô, tương đương 5.272.167 bao và có khả năng chỉ tăng nhẹ kể từ đó đến nay.

Báo cáo CFTF từ sở giao dịch kỳ hạn New York cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, bộ phận đầu cơ phi thương mại tại thị trường này đã tăng bán ròng ngắn hạn lên 100.533 lô, tương đương 28.500.660 bao và nhiều khả năng đã tăng thêm đáng kể sau những ngày thương mại tiêu cực kéo dài kể từ đó đến nay.

Dự kiến thị trường cà phê kỳ hạn London sẽ tiếp tục điều chỉnh theo xu hướng tích cực cho tới ngày giao hàng đầu tiên, trong khi thị trường cà phê kỳ hạn New York vẫn còn ngụp lặn ở mức hai con số để nghe ngóng thêm tin tức từ Fed về số lần tăng lãi suất USD qua phiên họp chính sách trong tuần này.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Anh Văn

    Bỏ qua những chi tiết khác để tính, từ đầu niên vụ tới 15 ngày đầu tháng 8, nước ta đã xuất khẩu 26,46 triệu bao, còn 1 tháng rưỡi nữa sẽ xuất ít nhất khoảng 2 triệu bao. Như vậy, xuất khẩu tổng cộng sẽ khoảng 28,5 triệu bao/năm. Còn tiêu thụ nội địa 4-5 triệu bao nữa ở đâu? Gẫm mà coi, sản lượng 1 năm bao nhiêu?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80