Ngành cà phê với bài học “tiên trách kỷ…”

Thua lỗ trầm trọng kéo dài nhiều năm qua khiến phần lớn các công ty thành viên của Tổng công ty Cà phê Việt Nam lâm vào tình thế bi đát chưa từng có.

Thời điểm hoàng kim của ngành cà phê chỉ kéo dài trong khoảng thời gian từ 1997- 1999.
Thời điểm hoàng kim của ngành cà phê chỉ kéo dài trong khoảng thời gian từ 1997- 1999.

Quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại tổng công ty – trong đó có 9 đơn vị thành viên làm thủ tục giải thể, phá sản trong năm 2006-2007, có thể hiểu là bước đi đầu tiên nhằm dọn dẹp, chống đỡ lại ngôi nhà cà phê (Tổng công ty Cà phê Việt Nam) đã quá nhiều “rác” và rệu rã.

Tụt dốc

Thời điểm hoàng kim của ngành cà phê kéo dài không lâu, chỉ trong khoảng thời gian từ 1997- 1999; ngắn ngủi vậy song cũng đủ cho toàn ngành này dốc hầu bao vào các lĩnh vực hạ tầng hành chính (phi lợi nhuận) và triển khai hàng loạt dự án cà phê lớn lao tập trung trên đất Tây Nguyên.

Suốt từ năm 2000 đến nay, bất chấp biến động khắc nghiệt của thị trường thế giới, tổng công ty vẫn tiếp tục dồn sức cho các dự án “phát triển” mà đến nay, mức thâm thụt đã vượt qua con số nghìn tỉ như thừa nhận mới đây của ông Phan Đăng Hiên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cà phê Việt Nam.

Khoan nói đến các dự án mới, riêng “bảng phong thần” thua lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hầu như đã có mặt phần lớn các đơn vị thành viên: Dẫn đầu là Công ty cà phê Ia Sao (đơn vị vừa hình thành năm ngoái trên cơ sở hợp nhất 5 nông trường độc lập tại Gia Lai và một công ty tại TPHCM; sự hợp nhất như một đối sách chống… giải thể) với số lỗ tới hơn 100 tỉ đồng. “Đồng hạng” với Ia Sao còn có Công ty cà phê Đắc Uy 1 (Kon Tum).

Các thứ hạng tiếp theo thuộc về Công ty Vinacafe 2 Nha Trang (80 tỉ), Nông trường cà phê Đắc Uy 4 (Kon Tum; gần 70 tỉ), Công ty cà phê Ia Grai (Gia Lai; gần 70 tỉ), Công ty Vinacafe 3 TPHCM (60 tỉ), các nông trường Ia Blang, 705 (Gia Lai), mỗi nơi 50 tỉ, Công ty Vinacafe 1 Hà Nội (40 tỉ), rồi Nông trường Đắc Uy 3 (Kon Tum; 20 tỉ). Và dù có năng lực hơn, các đơn vị tại Đắc Lắc cũng thua lỗ không dưới 30 tỉ đồng…

Ngoài nguyên nhân chủ yếu “đánh quỵ” các đơn vị cà phê trong nước – biến động giá khiến hệ thống cung ứng tư nhân “xù nợ”, không cung ứng hàng như cam kết; các đơn vị thành viên của Tổng công ty Cà phê Việt Nam buộc phải mua giá cao đáp ứng hợp đồng ngoại giữ uy tín – còn có nguyên nhân “lịch sử” thể hiện sự non kém kinh nghiệm giao thương trong ngành hàng mà thời gian tham gia “sân chơi” chung của Việt Nam (30 năm) chưa bằng một phần ba thế giới. Và, cả sự vung tay quá trán của “ông chủ – Tổng công ty Cà phê Việt Nam”…

Tổng công ty cà phê Việt Nam: lỗ hay lãi? ]

“Cái gì cũng có, trừ… cà phê”

“Đúc kết” chua chát này được Chủ tịch HĐQT (mới) của Tổng công ty Cà phê Việt Nam, ông Phan Đăng Hiên phát biểu sau chuyến kiểm tra chất lượng các dự án (dự án) cà phê gần đây, rằng tại hầu hết trong số 10 dự án ngốn ngót 1.000 tỉ đồng (phần lớn là vốn vay), “cái gì cũng có, từ trụ sở, phương tiện đắt tiền… nhưng cái cần nhất là càphê lại… không có”.

Có khá nhiều ví dụ từ các dự án Tây Nguyên: dự án Việt – Đức (công ty từ Đắc Lắc sang thực hiện tại Gia Lai) chẳng hạn, chỉ sau vài năm, diện tích cà phê từ 600ha chỉ còn hơn 250ha (vẫn đang mất dần); mương tưới đầu tư gần 7 tỉ nhưng lại… không có nước.

Dự án Đắc By thuộc Nông trường 701 (Kon Tum) chỉ trồng được 200 trên 600ha kế hoạch, trong khi lại đầu tư xây nhà khách cho 6 đội sản xuất ngốn gần cả tỉ bạc. Chưa kể như nhiều dự án khác, thường có trụ sở và nhiều công trình sai mục đích được xây rất to, rất tốn kém mà riêng cà phê thì lại đầu tư nhỏ giọt.

Đây cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng, các quỹ hỗ trợ dè chừng, cùng với sự xuống giá của cây cà phê những năm sau đó, hầu hết dự án đều bị cắt vốn ngang chừng, dù ngân hàng đã cam kết giải ngân theo tiến độ.

Có thể nói, việc triển khai rầm rộ các dự án đã tỏ ra kém hiệu quả ngay từ đầu (năm 1999-2000). Vì khách quan một phần, song vì bệnh thành tích nhiều hơn; trong đó có cả “năng lực” xà xẻo nguồn vốn dự án của một số người cầm trịch. Và hiện tại, “hầu hết các dự án đều đang bên bờ phá sản”, ông Hiên nói thêm.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng