Ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ xuất hiện, lý giải chuyện Trung Nguyên

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ vừa bất ngờ xuất hiện trước báo giới giữa những lùm xùm gây xôn xao dư luận.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong buổi gặp mặt báo giới. Ảnh: báo Một thế giới

Chiều ngày 13/8, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên mời đại diện một số báo đến gặp mặt với tinh thần trò chuyện để trải lòng về những chuyện đã qua. Thông tin về cuộc gặp được báo Một thế giới đăng tải.

Tờ báo này miêu tả: “Trong không gian Trung Nguyên được bài trí thoáng đãng, ấm cúng và có ý tưởng, ông Vũ đã trả lời những câu hỏi mà các nhà báo thẳng thắn đặt ra. Về việc tại sao Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên không lên tiếng trước những luồng dư luận những ngày qua, ông Vũ cho biết mình biết hết mọi chuyện, biết dụng ý các chiến dịch tấn công mình. Bản thân ông rất buồn nhưng không muốn nói qua, nói lại vì những điều đó có thể khiến căng thẳng được đẩy lên cao và khiến người trong cuộc tổn thương. Khi đề cập đến gia đình, ông Vũ tỏ ra rất tình cảm, đặc biệt khi nói về các con”.

Ông Vũ khẳng định mình không bị ảnh hưởng nhiều bởi những lời đồn ác ý nhưng ông lo lắng những tác động tiêu cực đó có thể ảnh hưởng đến tinh thần của các nhân viên trong tập đoàn. Trong tâm trí của người hướng thiền, ông Vũ coi những chuyện không hay xảy ra với mình thời gian qua giống như một thử thách, một kiếp nạn và ông tin kiếp nạn đó sắp đi qua.

Việc trên mạng xuất hiện clip cắt cảnh ông liên tục lắc đầu với trạng thái thẫn thờ, ông Vũ giải thích khi đó đang nghe những điều mà ông cảm thấy rất buồn nên việc lắc đầu chỉ là cách thể hiện thái độ.

Cũng theo tờ Một thế giới, ông Vũ giải thích rõ thông tin về 5 tỉ USD dành cho dự án sách một cách tường tận. Theo ông Vũ, đó là dự án giáo dục mà Tập đoàn Trung Nguyên khởi xướng trong một thời gian dài hơi chứ không phải một chốc một lát. Ông cũng bày tỏ hy vọng sau khi Tập đoàn Trung Nguyên phất ngọn cờ này thì chính quyền các cấp và các doanh nghiệp sẽ hưởng ứng. Khi ấy thì con số 5 tỉ USD cho dự án mang tri thức cho mọi người không có gì to tát.

Liên quan đến chuyện mang dàn xe trăm tỉ đi theo chương trình tặng sách, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên nói thẳng đó là chiến lược có toan tính. Ông triết lý: “Tôi mang sách đi hướng dẫn mọi người làm giàu thì trước hết tôi phải thể hiện mình là người giàu”. Hơn nữa, nếu chỉ phát sách theo cách bình thường thì chỉ một số báo đưa tin chứ khó lan tỏa thông tin, gây được tiếng vang trong xã hội. Và sau cùng, dàn xe sau khi phục vụ chiến dịch thì nó vẫn là tài sản của ông Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên nên ông kết luận chuyện dùng siêu xe không hề lãng phí.

Bài báo được đăng tải trên tờ Một thế giới lập tức được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Việc ông Vũ xuất hiện trên báo chí với gương mặt tươi tắn, mặc vest, quần trắng, khoanh chân trên ghế tiếp các nhà báo không những làm dịu đi dư luận mà lại gây ra những cuộc tranh cãi mới trên mạng xã hội.

Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ chủ động gặp gỡ báo chí. Ảnh: Một thế giới

Nhiều người cho rằng ông Vũ đã khẳng định clip được phát tán trên mạng xã hội là có thật, và việc ông lặp lại hành động này trong cuộc gặp báo chí chứng tỏ ông có dấu hiệu không bình thường. Nhiều người khác lại bênh vực ông chủ Trung Nguyên khi cho rằng hành vi không nói lên tất cả. “Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn điều hành tập đoàn bình thường, lý giải mọi chuyện minh mẫn, tương lai của Trung Nguyên không có gì đáng lo cả” – tài khoản facebook có tên Minh Hoàng Nguyễn bình luận.

“…Nhưng với tôi và những người đã từng tham gia Trung Nguyên thì câu chuyện tâm linh của anh Vũ là một chuỗi sự kiện, đi từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài… (sách lược Tôn Tử, mà anh Vũ vẫn lấy làm chiến lược dẫn dắt Trung Nguyên), và tham vọng ấy ngày càng được đẩy lên cao dần.

Nó đi từ thương hiệu cà phê số 1 của Việt Nam, đến cà phê đạo của người Việt, đến tự phong vua cà phê, rồi đến doanh nhân văn hóa Việt Nam, và sau đó thì mở ra cả thế giới với thánh địa cà phê toàn cầu, và gần đây là câu chuyện thiền và sự kiện “thông linh”, được bề trên tối cao giao trọng trách chăn dắt nhân loại, trở thành một tôn giáo duy nhất là trung tâm của tất cả các tôn giáo khác với sứ mệnh “cứu nhân loại.

Rõ ràng đây không còn là một doanh nghiệp hoạt động đúng nghĩa như một doanh nghiệp kinh doanh, mà nó là một tôn giáo.”…

Chia sẻ của cựu CEO Trung Nguyên Đỗ Hòa được nhiều báo đăng tải 

Trước thời điểm này đúng 5 ngày, một bài viết của cựu CEO Trung Nguyên Đỗ Hòa được nhiều báo chí đăng tải. Với hơn 3 tháng làm việc tại Trung Nguyên, ông Hòa chia sẻ: “Theo tôi thì anh Vũ bị bệnh hoang tưởng về quyền lực (một dạng tâm thần phân liệt), và diễn biến bệnh càng ngày càng nặng. Anh ấy cần được giúp đỡ! Công ty Trung Nguyên cần được giúp đỡ để có thể thoát ra khỏi crisis (khủng hoảng) này!”.

Câu chuyện về Trung Nguyên thời gian qua đã tốn nhiều giấy mực của báo giới và thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng khi các mâu thuẫn của Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ (Lê Hoàng Diệp Thảo – nguyên Phó Tổng giám đốc thường trực tập đoàn) lên tới cao trào.

Bà Thảo bị bãi miễn chức vụ và bị Trung Nguyên kiện ra tòa vì một số động thái can thiệp vào công việc kinh doanh của tập đoàn. Gần đây, khi hai người ra tòa để làm các thủ tục ly hôn, các thông tin dồn dập và bất lợi cho ông Vũ lại xuất hiện, kể cả trên mặt báo. Bà Thảo thậm chí đã gửi đơn cầu cứu Thủ tướng xin hãy cứu lấy một thương hiệu Việt Tuy nhiên, phía Trung Nguyên không hề có bất cứ thông tin chính thức nào gửi cho báo chí cho đến buổi gặp gỡ báo chí chiều 13/8 như ở trên vừa đề cập.

Tập đoàn Trung Nguyên do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm Chủ tịch với có nhiều mảng kinh doanh, gồm cà phê rang xay, cà phê hòa tan và mảng nhượng quyền cửa hiệu. Ở mảng kinh doanh cà phê, Trung Nguyên được biết đến là “vua” xuất khẩu cà phê, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Mỹ, nhưng cho đến nay vẫn có con số chính xác để kiểm chứng.

Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Trung Nguyên (công ty mẹ) duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2009 – 2013 và giữ ổn định từ năm 2014 đến 2016. Trong 3 năm này, doanh thu thuần của TNG đạt trên 3.800 tỉ đồng mỗi năm với lợi nhuận quanh mốc 800 tỉ đồng.

Tập đoàn Trung Nguyên được Fobers Việt Nam định giá 42 triệu USD.

Xem thêm: Đặng Lê Nguyên Vũ: Starbucks chỉ là “người khổng lồ không bản sắc”

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82