Các thị trường cà phê diễn biến trái chiều (10/08/2018)

Sự thanh lý, chuyển tháng kỳ hạn của các bộ phận đầu cơ và quỹ tiếp tục gây biến động mạnh trên cả hai sàn giao dịch cà phê thế giới.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T9/2018 ngày 09/08/2018

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 16 USD, lên 1.671 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 11 USD lên 1.641 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo gia tăng khoảng cách.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục suy giảm trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 0,2 cent, xuống 107,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 0,25 cent còn 110,75 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 đồng/kg, lên dao động trong khung 34.600 – 35.300 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.551 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 85 – 90 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.

Bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu đang chịu nhiều biến động do nhiều chính sách tiền tệ trái chiều nhau. USD tiếp tục vững chắc trong rổ tiền tệ mạnh dường như đã đẩy các tiền tệ còn lại về chung một phía. Tuy nhiên, việc áp dụng mức lãi suất thấp, thậm chí ở mức bằng 0%, làm cho sự tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn trở nên ì ạch, trong khi lãi suất của một số tiền tệ khác nhất là trong khối BRICS lại ở mức quá cao, làm bức tranh kinh tế vĩ mô luôn bất ổn.

Giá cà phê kỳ hạn thế giới trở lại trái chiều không chỉ do khác biệt của bức tranh cung – cầu ngắn hạn mà còn do lực đầu cơ và thời gian mang tính kỹ thuật. Kỳ hạn tháng 9 sắp kết thúc để chuyển sang tháng 11 ở London và tháng 12 ở New York. Hết phiên cuối tuần hôm nay New York sẽ kết thúc quyền chọn trong khi London sẽ kết thúc quyền chọn vào cuối phiên ngày thứ Năm (16/8). Sự thanh lý, chuyển tháng của đầu cơ và quỹ trên hai sàn góp phần lớn vào sự biến động trái chiều này.

Báo cáo tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận, tính đến thứ Hai ngày 06/8 đã giảm 800 tấn, tức giảm 1,09% so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 72.780 tấn (tương đương  1.213.000 bao, bao 60 kg).

Hiệp hội các nhà Công nghiệp và Xuất khẩu Cà phê (AKEI) Indonesia dự kiến khối lượng xuất khẩu trong niên vụ cà phê mới 2018/2019 sẽ tăng 6,38% so với niên vụ trước đó lên khoảng 8,33 triệu bao cà phê các loại. Trong khi con số dự báo sản lượng niên vụ mới được Hiệp hội đưa ra cũng xấp xỉ con số dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ở trong khoảng hơn 11 triệu bao.

Thương mại tại Việt Nam dự báo xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 8 của nhà sản xuất hàng đầu sẽ giảm mạnh,  xuống chỉ khoảng 1,2 – 1,5 triệu bao, do nguồn cung không còn dồi dào khi bước vào giai đoạn cuối niên vụ.

Tuy nhiên, thị trường tiêu dùng sẽ được bù đắp bởi sản lượng cà phê vụ mới của Brasil và Indonesia kể từ tháng 8 trở đi, dự kiến trong đó sẽ có 5 triệu bao Conilon được bán cho nhà xuất khẩu.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79