Hình thức mua bán cà phê qua mạng nhưng không cần có sản phẩm đang thu hút rất nhiều người dân cũng như giới đầu tư tại Buôn Mê Thuột. Kiểu mua bán như vậy được giới kinh doanh cà phê gọi là buôn “hàng giấy” và chuyện lời, lỗ không khác gì đánh bạc.
Cho đến nay, sau gần hai năm Chính phủ cho phép Techcombank làm chiếc cầu nối cho các nhà xuất khẩu cà phê tham gia giao dịch với thị trường kỳ hạn London, theo Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa), cả nước có 33 doanh nghiệp đăng ký với Techcombank tham gia giao dịch cà phê qua thị trường LIFFE.
Mục tiêu ban đầu của Vicofa và Techcombank là sử dụng công cụ phòng chống rủi ro (hedging) để tránh rủi ro về giá cho thị trường hàng thật (còn gọi là physical). Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Vicofa, cho biết hơn một nửa sản lượng cà phê nhân robusta xuất khẩu của VN hiện nay được xuất khẩu thông qua thị trường LIFFE, tức có phòng chống rủi ro và đây là thành công bước đầu của các nhà xuất khẩu cà phê.
Song, cái gọi là phòng chống rủi ro đã bị biến tướng. Với giá 18.000 đồng mỗi ký cà phê nhân hiện nay thì để có 1 lot (tương đương 5 tấn robusta) hàng thật, nhà kinh doanh phải bỏ ra 90 triệu đồng, trong khi giao dịch qua mạng thì chỉ cần chưa đến 10 triệu đồng để ký quỹ.
Biến tướng của giao dịch cà phê ảo
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó giám đốc Sở Thương mại – Du lịch Đăklăk, cho biết tuy chưa thống kê cụ thể số người tham gia nhưng ông thừa nhận kinh doanh “hàng giấy” ở Đăklăk đã vươn ra ngoài ngành cà phê. Lúc đầu, giao dịch qua LIFFE chỉ có các nhà xuất khẩu cà phê, đại lý với hy vọng tránh rủi ro do biến động giá trên thị trường thế giới. “Nay thậm chí bà bán vải, ông bán mui nệm cũng chạy đôn chạy đáo kiếm tiền chơi “hàng giấy”, thậm chí có người còn vay ngân hàng, thế chấp sạp vải”, ông Hà nói.
Ông Lê Thanh Sơn, nhân viên xuất khẩu của Simexco, nhà xuất khẩu cà phê lớn có tham gia thị trường LIFFE, nói đến mùa thu hoạch, người dân ở Buôn Mê Thuột như giáo viên, viên chức, dân buôn bán tạp hóa thường bỏ tiền ra mua vài tấn cà phê để gửi vào kho các công ty xuất khẩu chờ giá lên thì bán, xem như một hình thức tiết kiệm rất chính đáng. Nhưng bây giờ nhiều người đã chuyển sang mua “hàng giấy” như kiểu bà nội trợ, ông cán bộ hưu trí ở TP HCM tham gia chơi chứng khoán khi thấy thị trường nóng lên cách nay hơn hai tháng. Thậm chí còn xuất hiện đội ngũ cò mời gọi chơi “hàng giấy”.
Tuy nhiên, do phải ký quỹ 8-10% giá hàng thật tại cùng thời điểm (gọi là margin) và mở tài khoản ngoại tệ tại Techcombank, nên những người chơi “hàng giấy” lách bằng cách giao dịch qua các công ty có đủ điều kiện đăng ký giao dịch với LIFFE thông qua ngân hàng này.
Một chuyên gia cà phê thừa nhận, trong 33 doanh nghiệp tham gia giao dịch với LIFFE qua Techcombank thì gần một nửa là doanh nghiệp tư nhân, và họ sẵn sàng rủ rê những người khác tham gia giao dịch. Các “nhà cái” được hưởng chênh lệch phí giao dịch nộp cho Techcombank mà người chơi “hàng giấy” đóng vào.
Chẳng hạn, mức phí giao dịch mà Techcombank thu cả hai chiều mua và bán cho 1 lot là 28 USD, nhưng “nhà cái” thu của người chơi 30 USD. Đấy là chưa kể, càng nhiều người tham gia thì khối lượng giao dịch càng lớn và mức phí mà “nhà cái” nộp cho Techcombank càng giảm. Ví dụ, giao dịch cả hai chiều hơn 300 lot trong một tháng thì mức phí giảm xuống 26 USD/lot và hơn 800 lot mỗi tháng thì phí chỉ còn 20 USD, nhưng “nhà cái” vẫn thu đủ của người chơi “hàng giấy” 30 USD/lot.
Một nhà xuất khẩu cà phê có tham gia giao dịch qua mạng cho biết, hiện nay có ít nhất 70 doanh nghiệp chuyên chơi “hàng giấy” nhưng phần lớn chưa hề trực tiếp xuất khẩu cà phê và phải chơi qua các “nhà cái”. Theo ông, chơi “hàng giấy” không khác gì chơi hụi, có thể vỡ nợ dây chuyền. “Công cụ phòng chống rủi ro kiểu gì, khi mà Đăklăk không có cà phê arabica nhưng người ta vẫn chơi ở thị trường Nybot của New York chuyên về giao dịch cà phê arabica”, ông nói.
Sử dụng hedging như thế nào?
Một doanh nghiệp ký hợp đồng bán 500 tấn cà phê robusta (100 lot) với mức giá 900 USD/tấn giao trong tháng 10/2006. Sợ giá sẽ biến động theo chiều hướng tăng, doanh nghiệp quyết định đặt mua qua thị trường LIFFE 100 lot với cùng mức giá 900 USD/tấn tại thời điểm chốt giá bán cà phê thật. Đến thời điểm giao hàng, giá tăng lên 950 USD/tấn, thì hàng thật của doanh nghiệp bị lỗ 50 USD mỗi tấn. Thế nhưng trên thị trường kỳ hạn, doanh nghiệp lời tương tự là 50 USD/tấn. Như vậy dù giá lên, doanh nghiệp vẫn không bị lỗ hàng thật.