Thương mại tại Việt Nam dự báo xuất khẩu cà phê tháng 8 sẽ chỉ khoảng 1,67 – 2 triệu bao do nguồn hàng đã không còn dồi dào và mức giá cũng không khuyến khích nhà nông bán ra.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London có xu hướng hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 18 USD, lên 1.662 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 9 USD lên 1.642 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 1,05 cent, lên 107,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 1 cent, lên 111,1 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 – 400 đồng/kg, lên dao động trong khung 34.700 – 35.300 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.547 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 90 – 95 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Hầu hết các nhà sản xuất cà phê trên thế giới đều đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại khi giá cà phê duy trì ở mức thấp kéo dài. Nếu tình trạng này không sớm cải thiện sẽ dẫn đến thực tế là vườn cây thiếu sự quan tâm chăm bón và một diện tích không nhỏ sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác và do đó, sản lượng cà phê trong vài năm tới sụt giảm là điều dường như chắc chắn.
Theo dữ liệu báo cáo tháng 6/2018 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng đạt 9,39 triệu bao, tăng 2,55% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đây chỉ là con số thống kê chưa thể hiện điều gì rõ ràng, bởi lẽ Brasil xuất khẩu bù cho tháng trước đó, bị đình trệ khoảng 0,7 – 0,9 triệu bao cà phê không giao lên tàu được, do cuộc biểu tình của các tài xế xe tải ngăn cản các đường cao tốc ra cảng xuất khẩu kéo dài hơn 10 ngày.
Báo cáo của nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercado ở Sao Paulo cho biết thu hoạch vụ mùa Conilon Robusta sắp hoàn tất, trong khi thu hoạch vụ mùa Arabica đã được 2/3. Khoảng 15 triệu bao còn lại sẽ được đẩy mạnh thu hoạch do lo ngại mùa mưa năm nay tới sớm.
Sự suy yếu tiền tệ của các nước mới nổi và USD vững mạnh trong rổ tiền tệ tiếp tục gây bất lợi cho giá cà phê khi hầu hết các nhà sản xuất đều gia tăng bán. Chính điều này là cơ hội cho các đầu cơ và quỹ trên hai sàn kỳ hạn gia tăng vị thế bán ròng lên mức “chưa từng có”. Tuy nhiên giới quan sát và phân tích kỹ thuật cho rằng cần thiết phải điều chỉnh vị thế do đã ở vùng nguy hiễm khi “bán quá mức” và phiên vừa qua là sự điều chỉnh tất yếu.
Thu hoạch cà phê vụ mùa năm nay ở Indonesia bước vào giai đoạn cuối. Ước khoảng 1/3 sản lượng đã được bán ra thị trường nội địa và do đó sức mua bắt đầu chuyển sang các nhà xuất khẩu với mức giá cạnh tranh. Theo dự báo của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng của Indonesia vụ mùa năm nay sẽ tăng 5% lên 11,1 triệu bao cà phê các loại.
Thương mại tại Việt Nam dự báo xuất khẩu cà phê tháng 8 sẽ chỉ khoảng 1,67 – 2 triệu bao do nguồn hàng đã không còn dồi dào và mức giá cũng không khuyến khích nhà nông bán ra.
Anh Văn (giacaphe.com)