Trò “ảo thuật” trong thu mua cà phê tạm trữ

Trước tình trạng cà phê sụt giá thê thảm, Chính phủ quyết định giao cho các doanh nghiệp mua cà phê tạm trữ, giúp nông dân giải quyết đầu ra. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách này để dùng tiền Chính phủ hỗ trợ vào… việc khác, đợi khi cà phê xuống giá thê thảm mới chịu mua vào.

Giá cà phê đang sụt giảm mạnh
Giá cà phê đang sụt giảm mạnh

Chưa bao giờ cà phê sụt giá thảm hại như năm nay. Hạt khô bán cho điểm thu mua tại gốc chỉ được 5.000-5.200 đồng/kg, hạt tươi bán chỉ được 1.000-1.100 đồng/kg, bằng nửa giá thành sản xuất.

Nhiều hộ trồng cà phê vay vốn lớn đang lâm vào cảnh phá sản do không có tiền trả nợ cho ngân hàng cũng không thể vay thêm để chuẩn bị cho vụ cà phê mới. Tổng nhu cầu giãn nợ của nông dân chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk đã lên tới 1.500-1.800 tỷ đồng, trong khi ngân hàng chỉ mới giải quyết được 330 tỷ đồng.

Để cứu nguy cho người trồng cà phê, Chính phủ quyết định khẩn cấp mua tạm trữ 150.000 tấn cà phê. Theo báo cáo, đến cuối tháng 5 các doanh nghiệp đã thực hiện xong nhiệm vụ này. Để mua 150.000 tấn cà phê tạm trữ với giá trung bình 5.800 đồng/kg, các doanh nghiệp đã được cho vay 870 tỷ đồng và được ngân sách bù lãi suất 34,8 tỷ đồng. Với giá cà phê xuống thấp như hiện nay, các doanh nghiệp mua tạm trữ còn đề nghị Nhà nước bù lỗ thêm 75 tỷ đồng.

110 tỷ đồng ngân sách cho 150.000 tấn cà phê tạm trữ không phải là nhỏ, nhưng theo lời một quan chức Ngân hàng Đăk Lăk thì mua cà phê tạm trữ theo giá trôi nổi các doanh nghiệp sẽ có lợi, còn người trồng cà phê vẫn chịu lỗ. Lý giải điều này, một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh cà phê ở Buôn Ma Thuột cho rằng, lúc giá cà phê từ 5.800 đồng đến 6.000 đồng, doanh nghiệp được giao chỉ tiêu tạm trữ vay vốn nhưng lấy tiền để kinh doanh phi vụ khác, và họ lấy hàng lưu kho để bù vào chỉ tiêu được giao. Lúc cà phê rớt giá xuống 5.000-5.200 đồng/kg họ mới mua vào. Như vậy, số tiền dự kiến cứu nguy cho người trồng cà phê lại “rơi trọn” vào túi các doanh nghiệp.

Không biết thông tin về cách làm “ảo thuật” trên chính xác và phổ biến đến đâu, nhưng có một thực tế người dân không được gì sau khi các doanh nghiệp mua tạm trữ 150.000 tấn cà phê. Cách làm “ma giáo” này là hành động rút ruột nhà nước, ăn chặn mồ hôi nước mắt của người trồng cà phê và phá hoại chính sách của Đảng và Nhà nước.

>> Bất cập và yếu kém trong tạm trữ và xuất khẩu cà phê

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân nghèo

    Đọc lại bài này mới biết thu mua tạm trữ là “miếng bánh” Nhà nước giành cho DN đã lâu rồi chứ không có phần cho bà con nông dân.
    Tiếng là cứu giá để được giá, khi được giá thì bà con cũng hết vì cà phê đã vào kho của DN.
    Xin hãy hỗ trợ nông dân thiết thực hơn như vay vốn đầu tư chăm sóc bằng lãi suất linh hoạt, giãn nợ khi giá thấp chưa bán được cà, bãi bỏ các loại phí bất hợp lý đang tồn tại xưa nay trên hạt cà phê…

  2. Ngao văn Ngán

    Giành cho doanh nghiệp quá nhiều ưu ái, còn với nông dân thì sao?
    Chẳng có gì mà ngạc nhiên, kêu ca hay rên rỉ cả.
    “Ông mất miếng giò, bà thò chai rượu.”
    Đâu lại vào đó!

Tin đã đăng