Cà phê Tây Nguyên: “Bỏ thì thương, vương thì nặng”

Sâu vào bên trong tỉnh lộ 8 thuộc huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk, là những bãi đất trống nham nhở với những hố, rễ, thân cành cây cà phê vương vãi. Hình ảnh này khiến không ít người ngậm ngùi. Vậy là cây cà phê, vị “hoàng đế” một thời và là niềm hy vọng cho bao gia đình nông dân tại vùng đất này, cuối cùng cũng đội nón ra đi.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Cư M’gar đã có khoảng 350 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh bị phá bỏ, phần lớn tập trung ở các xã Quảng Tiến, Cư Suê, Ea Pốc… Ông Nguyễn Văn Hồng, Phòng NN&PTNT, thừa nhận hiện tượng phá bỏ cây cà phê đang xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn huyện là có thật, nhưng thực tế không đáng lo ngại lắm, bởi hầu hết số diện tích này theo ông là quá già cỗi, hết chu kỳ khai thác. Một số diện tích khác thì do trước đây triển khai trồng lại không đảm bảo hoặc thổ nhưỡng không phù hợp, điều kiện nguồn nước tưới khá bấp bênh dẫn đến năng suất chất lượng vườn cây kém hiệu quả.

Cùng với ý kiến trên, ông Đào Duy Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến cũng khẳng định: Hầu hết trên 100 ha cà phê bị chặt bỏ trên địa bàn xã thực sự là quá già cỗi, không phá đi thì lợi nhuận kinh tế từ những diện tích này mang lại chẳng đáng là bao. Trong bối cảnh hiện nay, khi hạt cà phê đang mất giá và tương lai cũng chưa có gì sáng sủa, lợi nhuận từ cây cà phê mang lại không còn được như trước, việc đầu tư tái sản xuất đối với những vườn cây lâu nay có hiệu quả kinh tế cao cũng đã là quá sức người nông dân, huống hồ là những vườn cây già cỗi, kém hiệu quả.

Thực tế là không chỉ có những vùng cà phê quá già, năng suất thấp bị phá bỏ, ngay những diện tích cà phê đang trong thời kỳ sung mãn, cũng bị chặt phá không thương tiếc. Anh Phạm Văn Cảnh ở xã Ea Pốc tâm sự: “Hiện tượng chặt phá cây cà phê trong vài tháng qua đã gây tâm lý bất ổn cho rất nhiều người dân nơi đây, bây giờ bỏ thì thương, vương thì nặng”. Nhiều hộ dân trong xã có ý định tiếp tục phá bỏ cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Riêng gia đình anh chỉ còn lại 3 ha cà phê kinh doanh (phá bỏ 2 ha), mùa khô vừa rồi có tưới nước và bón phân một đợt để duy trì sự sống cho vườn cây.

Đó là những hộ có nguồn kinh tế tương đối ổn, còn hàng trăm nghìn hộ trong tỉnh, cơm gạo còn phải lo chạy từng bữa, nói gì đến chuyện chăm sóc cây cà phê. Trong lúc hàng loạt chi phí đầu tư như điện, xăng dầu, phân bón, vật tư… luôn trong tình trạng tăng, giá cà phê cứ tuột xuống. Nếu tình trạng này kéo dài thì chủ trương giữ lại cây cà phê trên đất trồng theo chỉ đạo của UBND huyện quả là điều khó thực hiện.

Vượt qua đoạn đường chưa đầy 5 km mà có đến hơn chục bãi đất trống rộng lớn ngổn ngang thân cây cà phê gục ngã. Cảnh tượng này gợi nhớ đến thời điểm 1996-1997 khi giá cao su rớt chỉ còn 5-6 triệu đồng/tấn thì cũng là lúc hàng trăm ha cao su phải đội nón ra đi để nhường chỗ cho cây cà phê, còn bây giờ…? Liệu sẽ có bao nhiêu hộ nông dân trong tỉnh có ý định như anh Cảnh và bà con nông dân hiện nay tại ở huyện Cư M’gar? Một điều đáng lo ngại nữa là hiện có không ít hộ dân đang dùng vườn cây của mình để thế chấp vay vốn ngân hàng nên khi phá bỏ thì không hiểu hộ đó sẽ trả nợ vay như thế nào? Vấn đề này đang trở thành bài toán khó chưa có lời giải.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81