Xuất khẩu cà phê qua… net

5h30 chiều hàng ngày, giá cả cà phê lại được hãng tin Reuters chuyển đến các máy tính đã đăng ký của một số doanh nghiệp cà phê Việt Nam. Không ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp bỏ ra cả ngàn USD mua mỗi thông tin đó. Đây là một khâu trong xuất khẩu cà phê theo hợp đồng tương lai trên thị trường kỳ hạn, một phương thức khá mới mẻ ở Việt Nam hiện nay và có nhiều ưu thế vượt trội so với phương thức xuất khẩu truyền thống.

Mô hình giao dịch này đã được áp dụng từ rất lâu trên thế giới, nhưng lại được đưa vào Việt Nam chưa lâu. Nó sẽ làm thay đổi cơ bản hình thức cũng như hiệu quả trong xuất khẩu nông sản của nước ta bất chấp những biến động về giá trên thị trường thế giới. Cà phê gần như là mặt hàng đầu tiên được áp dụng mô hình xuất khẩu này.

Điểm đặc biệt ở phương thức giao dịch này là các hợp đồng được bên mua và bán ký trên mạng hoặc qua điện thoại trên cơ sở lòng tin.

1 đêm giao dịch cà phê

Ở Brazil, quốc gia có diện tích và sản lượng cà phê vào loại lớn nhất thế giới, mô hình xuất khẩu cà phê theo hợp đồng tương lai trên thị trường kỳ hạn đã được áp dụng từ lâu và trở nên rất quen thuộc với từng người nông dân. Cà phê sau khi thu hoạch được đưa đến cất giữ trong các kho của Hợp tác xã. Từ các phòng giao dịch ở Hợp tác xã, nông dân có thể xem giá cà phê tại London qua mạng. Nếu thấy giá hợp lý, họ có thể đưa ra quyết định bán tại chỗ. Đây cũng là cách được hơn 1.400 nhà xuất khẩu cà phê của nước này tận dụng triệt để.

Tại Công ty xuất khẩu cà phê 2/9 tỉnh Dak Lak, phòng giao dịch dường như sôi nổi hơn từ 5h30 chiều. Thông tin về giá cà phê thế giới vừa được gửi về, các quyết định mua bán bắt đầu cũng được đưa ra. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cú điện thoại được gọi tới khách hàng thông báo quyết định bán khi người ta thấy giá cả hợp lý. Một sàn giao dịch điện tử được thiết lập để người bán và người mua thỏa thuận giá cả và ký hợp đồng. Cà phê sẽ được chuyển giao ở một thời điểm nào đó mà hai bên thống nhất trong tương lai. Vào thời điểm đó, giá cà phê có cao hay thấp hơn giá đã thỏa thuận thì hợp đồng vẫn giữ nguyên giá trị. Cho nên, bên mua và bên bán có thể tính toán được lỗ lãi ngay khi vừa ra quyết định. Trong khi mua bán như vậy, cà phê là ảo nhưng lợi nhuận lại thực. Hình thức mua bán mới mẻ này thực chất là: ký hợp đồng trên mạng và bán cà phê qua điện thoại. Thông thường, phiên giao dịch sẽ được kết thúc vào nửa đêm. Sau mỗi ngày làm việc như vậy, các bảng, biểu đồ giá cà phê cũng được xây dựng để các nhà sản xuất cà phê có thể dự đoán giá trong tương lai.

Tại sao phải giao dịch theo hợp đồng kỳ hạn?

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta từ trước tới nay. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản của Việt Nam đạt 4,3 tỷ USD, trong đó, cà phê đóng góp 590 triệu USD. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu của mặt hàng này. Bởi cà phê được đánh giá là mặt hàng có giá biến động nhanh và mạnh nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây. Chưa kể ở nước ta, sản lượng cà phê các năm cũng rất không ổn định. Người trồng cà phê luôn sống trong tâm trạng nơm nớp về nỗi lo được mùa, mất mùa. Vì hạn hán dẫn đến sản lượng thấp, nhưng chưa chắc nông dân đã thua thiệt, bởi giá tự khắc sẽ được nâng lên. Ngược lại, được mùa, sản lượng tăng, nhưng nông dân chưa chắc đã thắng, bởi giá thị trường có thể sẽ bị giảm xuống. Đó chính là sự nhạy cảm và khó đoán biết của thị trường cà phê. Không chỉ với người nông dân mà ngay với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta, sụt giá bất ngờ vẫn là nỗi khiếp đảm luôn tồn tại. Điều đặc biệt là giá cả cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới lại phụ thuộc phần lớn vào sản lượng cà phê Brazil. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia thì niên vụ 2004 – 2005, sản lượng cà phê Brazil sẽ giảm theo chu kỳ 2 năm/lần.

Dăk Lăk là địa phương đi đầu trong việc tìm tòi và áp dụng mô hình giao dịch theo hợp đồng kỳ hạn trong việc xuất khẩu cà phê. Từ những năm 1994 – 1995, các doanh nghiệp ở Tây Nguyên đã sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên, ban đầu, các doanh nghiệp này phải tự mò mẫm, dần dần rút kinh nghiệm. Thậm chí như Công ty xuất nhập khẩu cà phê 2/9, người ta đã có thể xây dựng được biểu đồ giá cà phê qua các đợt giao dịch. Cái giá mà họ phải trả cho những bài học đầu tiên ấy là rủi ro và “trừ lùi”. Có lúc, mức trừ lùi lên tới 100 – 200 USD cho một tấn hàng.

Ở Đăk Lăk, phương thức “bán cà phê qua mạng” đã trở nên rất quen thuộc. Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Lạng tỏ ra khá am hiểu về phương thức này. Ông cũng là một trong những người rất tâm huyết đối với xuất khẩu cà phê Đăk Lăk. Theo ông Nguyễn Văn Lạng, ưu thế lớn nhất của cách giao dịch này là người ta có thể bán cà phê trong tương lai theo mức giá hiện tại – mức giá mà các doanh nghiệp biết chắc là hợp lý. Vì thế, các doanh nghiệp cũng hạn chế được những rủi ro. Điều này không một phương pháp kinh doanh cà phê truyền thống nào đạt được.

Về mặt nghiệp vụ giao dịch, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt nam sẽ còn phải hoàn thiện nhiều khi tham gia vào thị trường mới mẻ này. “Để thắng được trong “cuộc chơi” xuất khẩu trên thị trường kỳ hạn, các doanh nghiệp cần phải xông xáo, tích lũy nhiều kinh nghiệm, đặc biệt không thể thiếu sự nhạy bén, tính quyết đoán và có bản lĩnh”. Đó là những nhận xét, cũng là những bài học mà Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu cà phê 2/9 Lê Đức Thống đã đúc kết được trên con đường đưa cà phê Việt ra thế giới.

Về khả năng triển khai 1 sàn giao dịch nông sản tại Đắk Lắk, cũng như triển vọng của loại hình giao dịch này tại Việt Nam trong những năm tới đây, ông Nguyễn Văn Lạng, tỏ ra lạc quan: Đắk Lắk dự định sẽ xây dựng một “Chợ cà phê”. Ở đó người dân có thể gửi cà phê vào các kho, theo dõi giá cả cà phê hàng ngày, và có thể bán khi thấy giá hợp lý.

Cà phê chỉ là bước đầu tiên, trong tương lai, các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác cũng sẽ bước chân vào thị trường kỳ hạn. Sẽ là rất thua thiệt nếu các doanh nghiệp không chủ động được về giá, bởi lẽ đa phần các hợp đồng xuất khẩu hiện nay đều được tính giá tại thời điểm giao hàng, chứ không phải mức giá hiện tại khi giao dịch.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng