Có một tôn giáo tên là “cà phê”

Hơn một tỉ người trên thế giới uống cà phê, quá nhiều để thấy thức uống này gần như đã tạo thành một tôn giáo.

Buổi chiều ngày 15.12 tại Công viên Tao Đàn, nơi đang diễn ra những ngày lễ hội văn hóa cà phê, các “tín đồ” đã có một buổi trò chuyện thú vị với giáo sư Vũ Khiêu và nhà sử học Dương Trung Quốc.


Có rất nhiều thứ nghiện mà người ta ngăn cản nhưng có lẽ nghiện cà phê là thứ chưa ai ngăn cản, chỉ có điều người ta uống theo sở thích và sức khỏe của mình thôi”, nhà sử học Dương Trung Quốc đã bắt đầu buổi nói chuyện bằng một ly cà phê nóng thứ 3 trong ngày của ông và những câu chuyện về lịch sử cà phê ở VN cũng như trên thế giới.

Cây cà phê có từ rất lâu trước khi trở thành một phần không thể thiếu sau này của hơn 1 tỉ con người. Về vùng đất được coi là xuất xứ của cây cà phê, có thể là Catfa ở Etiopia với truyền thuyết một chàng chăn dê thấy đàn dê của mình bỗng nhiên sinh động khác thường nên quan sát, và thấy chúng ăn một thứ quả đỏ mọc bên triền núi…

Truyền thuyết chỉ là truyền thuyết nhưng đó là sự giao lưu về văn hóa. Nhiều sách chép rằng vào thế kỷ thứ 5 khi châu Âu bắt đầu biết đến châu Phi thông qua các cuộc chiến, theo chân những người lính, thứ nước uống kỳ diệu này đã tiến vào châu Âu. Đây là thứ nước uống luôn gắn với sự động não, cuộc sống đô thị càng căng thẳng thì người ta càng cần cà phê, tạo cơ hội cho cà phê phát triển.

Các danh nhân trên thế giới nói về cà phê

Napoleon Bonaparte:  Không có cà phê chính trị chỉ còn một nửa.

Honore De Balzac:  Khi chúng tôi uống cà phê, các ý tưởng xuất hiện như đi diễu hành trong quân đội.

Joham Sebastian Bach: Không có cà phê buổi sáng, cuộc đời tôi khó khăn và vô vị…

Ở Đông Dương, khi các nước thực dân xâm chiếm và biến một số nước thành thuộc địa, họ đã nhanh chóng biết rằng đây là vùng đất tương thích một cách kỳ diệu với cà phê nên bắt đầu trồng thử nó ngay khi có mặt. Vào khoảng giữa thế kỷ 19, cà phê theo chân các nhà truyền giáo phương Tây đến VN bởi với tính chất như một loại dược liệu, những đặc tính hóa học làm thần kinh sáng suốt rất cần cho lý trí để truyền giáo. Những cây cà phê đầu tiên của VN đã có từ mảnh vườn của họ.

Thói quen bắt đầu từ rất ít những người phương Tây nên dù cà phê có mặt ở VN khá lâu, mãi sau này người Pháp mới trồng phổ biến hơn. Khoảng thập kỷ 80 của thế kỷ 19, người Pháp đã bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất với hạ tầng cơ sở mà chưa quan tâm nhiều đến nông nghiệp VN. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp khai thác thuộc địa lần thứ hai, họ hiểu rằng cây cà phê rất thích hợp với thổ nhưỡng VN. Những năm 20 của thế kỷ 20, cây cà phê với các đồn điền ở cao nguyên miền Trung VN bắt đầu phát triển.

Thực ra nếu người Pháp không đưa cây cà phê vào thì chắc chắn cà phê cũng sẽ tự tìm đường đến VN. Và khi sống ở VN nó trở thành một thứ cây rất VN tương thích với khí hậu và thổ nhưỡng nước ta. Nói một cách hình ảnh, giống Khổng giáo và Phật giáo khi vào VN cũng có những biến đổi tương thích với con người và văn hóa để trở thành văn hóa VN” – giáo sư Vũ Khiêu chia sẻ.

Cà phê là thứ uống để suy ngẫm, nên chẳng phải ngẫu nhiên dù cà phê hòa tan đang như một thứ tiện lợi, là lựa chọn của những người bận rộn, không có thời gian để dừng lại dù chỉ 15 phút mỗi sáng bên bàn cà phê thì văn hóa uống cà phê từ những chiếc phin nhỏ từng giọt chậm rãi vẫn không bị và không thể mất đi. Không chỉ bởi đó là cách uống ngon nhất khi cà phê được ngấm đủ thời gian với nước sôi mà còn vì phần thưởng xứng đáng cho người biết chờ đợi thứ nước đen như bóng đêm, nóng như hỏa ngục và đắng như mật ấy.

Với những người nghiện cà phê, nhất là người VN, dù cuộc sống ngoài kia có hối hả đến mức nào, thì thời gian để chờ đợi ly cà phê pha bằng phin của họ cũng không thể thay bằng bất cứ điều gì khác. Đó không chỉ là thói quen, đó không chỉ là một cảm giác, đó là một sự thưởng thức được nâng lên thành văn hóa cho một thứ nước uống làm rung động quá nhiều giác quan của con người!

Giáo sư Vũ Khiêu: Cà phê làm cho những trái tim xa lạ gần gũi nhau, làm cho sự cô đơn không trở thành phiền muộn, cà phê là thức uống diệu kỳ và lãng mạn nhất. Tôi chưa viết riêng về cà phê bao giờ nhưng trong rất nhiều cuốn sách của tôi có từng đoạn hay từng câu nhắc đến niềm hạnh phúc hay những nỗi buồn được chia sẻ với cà phê. Bao giờ thì VN không chỉ là nước xuất khẩu cà phê mà còn là nước có những thương hiệu cà phê với bản sắc văn hóa VN được thế giới biết đến? Trong lĩnh vực ẩm thực, đã có nhiều món ăn được biết như thế, không thể nào không còn chỗ cho cà phê!

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Khi các bạn uống cà phê với vị đắng đặc trưng của nó, các bạn có bao giờ nghĩ đến những điều sâu xa hơn không? Các bạn hãy xem bản đồ phân bố nơi trồng cà phê và nơi tiêu thụ cà phê, nó cũng tương ứng với bản đồ phân bố các nước giàu và nghèo. Các nước nghèo là nước trồng cà phê và ngược lại, các nước tiêu thụ nhiều cà phê nhất (chế biến và uống cà phê) lại là các nước giàu. Sự thật bất công ấy có phải là vị đắng như cà phê không?

VN tự hào có lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ hai trên thế giới nhưng cà phê hiện tại mang lại lợi ích quốc gia chưa nhiều. Tại sao nước ta và các nước trồng cà phê khác người nông dân phải vất vả để trồng cà phê lại gần như không được nhắc đến và lợi nhuận thu về cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên tổng lợi nhuận có được khi cà phê đến với người thưởng thức? Tôi mong các bạn trẻ uống cà phê mỗi ngày hãy suy nghĩ về điều đó, để làm sao sự bất công mà tôi nói ở trên không còn nữa, trong tương lai!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng